75 năm Chủ tịch hồ Chí Mình viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tại Thái Nguyên - Giá trị lịch sử và thời đại

Thứ ba - 09/08/2022 21:05   Đã xem: 344   Phản hồi: 0

Suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ở Người toát lên tầm tư tưởng vĩ đại - vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và để thực hiện được mục tiêu đó, Người mong muốn xây dựng Đảng, chính quyền thật sự “đạo đức, văn minh”. Mỗi người cán bộ, đảng viên phải có tư cách, đạo đức cách mạng, phải biết vì dân, thực sự là “đầy tớ của nhân dân”. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chính là sự thể hiện nỗi niềm đau đáu đó của Người.

image 20221015080509 1
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

1.  Sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, các vấn đề địa chính trị thế giới có sự thay đổi đáng kể, những mâu thuẫn mới diễn ra phức tạp và ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, đặc biệt là sự đối trọng giữa hai cực Xô - Mỹ. Điều này tác động mạnh mẽ đến cách mạng các nước, nhất là những nước mới giành độc lập như Việt Nam.
Ở trong nước, Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Mục tiêu giành được chính quyền về tay nhân dân, nắm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị hợp pháp nước nhà của Đảng đã được xác lập. Tuy nhiên, sau ngày độc lập, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức cần giải quyết như Bác gọi là “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, trong khi chính quyền cách mạng còn rất non trẻ. Cách mạng nước ta trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đầu tháng 9/1945, quân Anh tiến vào giải giáp quân đội Nhật, mở đường cho thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp đấu tranh vừa xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, vừa duy trì hòa bình, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Trong hoàn cảnh thực dân Pháp quyết tâm xâm lược, dân tộc ta buộc phải đứng lên đấu tranh, giữ vững độc lập dân tộc. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc tổng di chuyển các cơ quan, lực lượng, kho tàng, máy móc về An toàn khu Việt Bắc nhằm bảo toàn lực lượng, tiến hành kháng chiến trường kỳ.
Trong khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, toàn Đảng, toàn dân phải tập trung sức mạnh tổng lực, đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp, với hơn 12.000 quân tinh nhuệ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Trong cam go, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, bút danh X.Y.Z. Với tất cả tinh thần, trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân, để chỉ đạo việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, uy tín, đạo đức của Đảng, củng cố quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Điều đặc biệt của tác phẩm là Người không chỉ viết bằng sự tinh tường cho hiện tại mà là cả sự dự cảm, thấu suốt cho tương lai.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên là một trong những địa phương vinh dự được lựa chọn là căn cứ thuộc An toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Cách đây 75 năm, tối 19/5/1947, từ làng Xảo (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ đã băng suối, vượt đèo sang Định Hoá (Thái Nguyên). Ngày 20/5/1947, Hồ Chủ tịch đến xã Điềm Mặc (Định Hoá) ở và làm việc tại một căn nhà lá trên đồi Khau Tý. Bác đã ở đây trong khoảng thời gian từ ngày 20/5/1947 đến cuối tháng 11/1947. Trong quãng thời gian này, có rất nhiều sự kiện đặc biệt diễn ra tại đây. Tại mảnh đất an toàn khu Định Hóa, Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Nhiều chủ trương, quyết sách quyết định đến vận mệnh dân tộc và một số tác phẩm quan trọng của Người đã ra đời ở đây. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1947, trong khi thực dân Pháp ráo riết mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, tại căn lán nhỏ trên đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện cuốn Sửa đổi lối làm việc. Thái Nguyên, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, một lần nữa vinh dự khi được chứng kiến và góp phần quan trọng vào sự ra đời của tác phẩm.
Đây là tác phẩm đặc biệt quan trọng về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Qua công cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ mới được hai năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các khiếm khuyết trong tổ chức, bộ máy, những nhược điểm trong phương thức, lề lối làm việc, nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng cấp thiết, phải thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của tổ chức Đảng và toàn dân tộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. “Sửa đổi lối làm việc” là nhằm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa chữa các khuyết điểm về cách thức tổ chức, lề lối, tác phong làm việc, tư tưởng, đạo đức, lối sống; từ đó, nâng cao năng lực công tác, sức chiến đấu, sức mạnh đoàn kết, nêu cao đạo đức cách mạng, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng và dân tộc giao phó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.  Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”[1].
Người chỉ rõ: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước thống nhất và độc lập.  Vì vậy, mỗi một đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí.
Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm…”[2].
Người thường nói: “nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi… Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”[3]. Phải hiểu rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[4].
2. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” gồm sáu nội dung lớn, có vấn đề là trước mắt, dễ khắc phục, có vấn đề là lâu dài, cần kiên trì, thường xuyên giáo dục, sửa chữa, tất cả đều nhất quán theo một chủ đề “xây dựng, chỉnh đốn đảng”: (1) Phê bình và sửa chữa; (2) Mấy điều kinh nghiệm; (3) Tư cách và đạo đức cách mạng; (4) Vấn đề cán bộ; (5) Cách lãnh đạo; (6) Chống thói ba hoa.
Ở mục Phê bình và sửa chữa, Người khẳng định thành tựu đã đạt được của Đảng trong lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành nền độc lập dân tộc. Dù vậy, trong điều kiện khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, Đảng cần tập hợp được sức mạnh tối cao của toàn dân tộc và muốn huy động được sức mạnh đó nhất thiết Đảng phải “sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục ba loại khuyết điểm chính: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Chỉ như vậy mới có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân. Người chỉ ra cách khắc phục các căn bệnh này là phải thông qua học tập và phê bình.
Từ những yêu cầu khắc phục các khuyết điểm đã được chỉ ra ở phần Phê bình và sửa chữa, Người nêu lên sáu điều trong Mấy điều kinh nghiệm để cán bộ, đảng viên suy ngẫm, học hỏi. Người nhấn mạnh, tất cả các công việc mà Đảng, Chính phủ làm cũng đều là vì Nhân dân. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Từ đây, trong phần Tư cách và đạo đức cách mạng, Người phân tích, nêu rõ lý tưởng, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Đảng, trách nhiệm, tư cách, đạo đức cần có ở mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chỉ ra các khuyết điểm, thói hư tật xấu, các căn bệnh thường mắc phải và cách để khắc phục.
Người cũng phân tích năm nội dung về Vấn đề cán bộ, chỉ rõ phương thức mà Đảng, Chính phủ cần thực hiện để sử dụng và phát huy hiệu quả, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Người dành phần nhiều nội dung chỉ dẫn về Cách lãnh đạo, nhấn mạnh người lãnh đạo chẳng những lãnh đạo được quần chúng mà phải học hỏi được quần chúng, không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu.
Người khẳng định phải Chống thói ba hoa, xem căn bệnh này nguy hại không kém căn bệnh chủ quan, hẹp hòi, chúng thường đi với nhau và gây hại như nhau, phải khắc phục triệt để.
Bao trùm, nổi bật, xuyên suốt tác phẩm là những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc”, “đày tớ” của dân. Người khái quát 12 điều về Tư cách của đảng chân chính cách mạng. Người rất chú ý những căn bệnh nguy hại cần sửa chữa, loại bỏ như: Bệnh tham lam, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, tự tư tự lợi, xa hoa, tiêu xài bừa bãi, không sợ mất thanh danh của Đảng, danh giá của mình. Bệnh lười biếng, tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Bệnh kiêu ngạo, tự cao, tự đại, ham địa vị hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Bệnh hiếu danh, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Bệnh thiếu kỷ luật, tư tưởng và hành động đặt cá nhân lên trên, mình muốn thế nào thì làm thế ấy, quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc. Óc hẹp hòi, ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc. Óc địa phương, chỉ biết cơ quan, bộ phận, địa phương mình được việc, còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ, không xem xét toàn thể, không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể. Óc lãnh tụ, tự cao tự đại, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ.
Người chỉ ra biện pháp sửa chữa: “Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”[5]. Phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất là “phê bình”. Phải sửa lối làm việc của Đảng để mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm “đúng”làm “khéo”, có như vậy “thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”Người nói: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”[6].
Người cảnh báo: “... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[7]. Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”[8]. “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[9]. Tôi mong rằng: từ nay các cán bộ đều biết phê bình và tự phê bình, đều cố gắng sửa đổi lối làm việc, theo đúng đường lối của Chính phủ và Đoàn thể, hợp với lòng dân. Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của các cán bộ[10]. Riêng về Đảng, các đồng chí hãy kiểm thảo sự lãnh đạo của Đảng về chính trị và tổ chức, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, tổ chức việc học tập lý luận và sửa đổi lối làm việc, để cho Đảng ta thành một lực lượng rất mạnh, đưa dân tộc đến bước thành công[11].
Từ những nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tác phẩm, có thể khái quát những vấn đề cấp bách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đến: (1) Phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc cơ bản là phê bình và tự phê bình. Khắc phục tình trạng né tránh, nể nang, thiếu xây dựng; chống thói trù dập, hẹp hòi, động cơ không trong sáng; lấy lòng nhân ái, chân thành, công tâm làm nền tảng trong phê bình. (2) Phải nhận thức đúng đắn vai trò của lý luận và công tác lý luận trong đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện việc học tập lý luận một cách nghiêm túc, thiết thực, khắc phục triệt để bệnh coi thường lý luận. (3) Không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tập trung vào năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. (4) Phải đổi mới cách đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ sao cho dùng đúng người, đúng việc, dùng được người có đức, có tài, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. (5) Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, kết hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ. (6) Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, đổi mới cách nói và viết của cán bộ, đảng viên, khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm.
Có thể nói, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện tư tưởng đổi mới đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện Đảng cầm quyền, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm được coi là cuốn cẩm nang, kim chỉ nam hành động của Đảng và dân tộc trong công tác xây dựng Đảng. Nói cách khác, tác phẩm chỉ dẫn phương pháp luận cách mạng, hệ thống các nguyên tắc, quy luật cơ bản về công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức, tổ chức, công tác cán bộ, tư cách của cán bộ, đảng viên, phương thức, phương pháp, phong cách lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa Đảng và hệ thống chính trị với quần chúng nhân dân. Với tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang bị cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng những thước đo, chuẩn mực đạo đức để rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, khả năng tập hợp, thu hút, dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.
Ngay tại thời điểm ra đời, tác phẩm đã đi vào thực tiễn cuộc trường kỳ kháng chiến của Đảng và dân tộc, tạo nên phong trào sửa đổi lối làm việc và thi đua ái quốc rộng khắp trên cả nước, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tác phẩm có ý nghĩa không chỉ thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trường tồn theo thời gian, đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử, tính thời đại, tính thời sự, nhất là hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 
3. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi công tác xây dựng đảng là vấn đề then chốt, sống còn, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển của Đảng. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh ngang tầm với sự lãnh đạo.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã cảnh báo: Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong xã hội đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền... Đã có lúc, có nơi, một số đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự lan tràn của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) nhận định: Trong Đảng có một bộ phận giảm sút về ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi vào con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên tha hóa, hư hỏng. Tệ nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi, phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài.
Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII của Đảng tiếp tục chỉ ra tình trạng suy thoái. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường.
Tình trạng này dẫn đến các hành vi tham nhũng và nhiều hệ lụy nguy hại. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, là cuộc đấu tranh quyết liệt làm trong sạch tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, có ý nghĩa quyết định sự sống còn, tồn vong của Đảng và chế độ. Hơn bao giờ hết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy những giá trị của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc trong công tác xây dựng Đảng cần được quan tâm và sát sao thực hiện.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội… để nước ta phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định và nêu bật quan điểm: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá" trong nội bộ”[12].
Văn kiện Đại hội chỉ đạo rõ: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp uỷ cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm”[13].
Điều này có ý nghĩa vô cùng hệ trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng, toàn xã hội, nỗ lực biến các quyết định của Đại hội trở thành hiện thực sinh động và đạt các mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên tinh thần đó, nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò soi dẫn, chỉ đường đặc biệt quan trọng.
Là tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có nhiều lợi thế, tiềm năng khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 75 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947) và gần 60 năm kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh (1964), Thái Nguyên đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Tại buổi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên ngày 13/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân và giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác… Nếu đảng viên và đoàn viên tư tưởng thông suốt, gương mẫu trong mọi việc thì mọi công tác nhất định hoàn thành tốt. Từ nay về sau, tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ cần phải thường xuyên ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên để xứng đáng là người đảng viên tốt… Đồng bào Thái Nguyên gồm nhiều dân tộc và sẵn có truyền thống đoàn kết. Nay càng phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào lương và giáo. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành công. Như thế là đồng bào Thái Nguyên góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…”[14].
Nhớ lời Bác dạy năm xưa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa tỉnh bứt phá, chuyển mình từ một địa phương nghèo, vươn lên thành tỉnh công nghiệp, có mức tăng trưởng GDP bình quân qua các năm đạt hơn 10%. Tự hào là nơi ra đời tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên cùng các địa phương trên cả nước đang từng ngày phấn đấu, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh. Lời Người dạy trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc mãi là tài sản vô giá, ngọn hải đăng soi sáng toàn Đảng, toàn dân tộc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng nỗ lực rèn luyện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xứng đáng với sứ mệnh lịch sử giao phó, thực sự trở thành Đảng cầm quyền “đạo đức”, “văn minh”; từ đó, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

TS. Nguyễn Thị Huệ Chi
Vụ Lý luận chính trị Ban Tuyên giáo Trung ương


 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.272.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.87.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.167.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.271.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.397.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.315.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr.229.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. 2, tr.236.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.524-526.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập120
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,345
  • Tổng lượt truy cập18,335,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây