Từ ATK Định Hóa đến chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử

Thứ sáu - 16/09/2022 21:47   Đã xem: 258   Phản hồi: 0

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), An toàn khu (ATK) do Trung ương xây dựng ở Định Hoá và một số huyện giáp ranh của ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn là An toàn khu lớn nhất và quan trọng nhất. Đó là căn cứ của cơ quan đầu não kháng chiến cả nước ta. Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã lãnh đạo quân và dân ta tiến hành kháng chiến thắng lợi.

Không thể tìm kiếm giải pháp hòa bình để giữ nền độc lập, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan, công sở, kho tàng di chuyển lên Việt Bắc. Cả nước bước vào cuộc tổng di chuyển kỳ vĩ. Đến cuối tháng 3/1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ đã lên đến những địa điểm đã được chuẩn bị từ trước.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Định Hóa. Nơi đây, những khu nhà ở, làm việc của các cơ quan chỉ đạo kháng chiến được dựng lên trong những cánh rừng từ Quán Vuông đến Lưu Quang, Lục Rã, sát chân núi Hồng, trên đường sang Tân Trào (Tuyên Quang). Các đồng chí Công tác đội và Tổng đội xây dựng của Bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu rừng Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định. Để bảo đảm bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Có lúc, Người ở Định Hoá, có lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn, có lúc lên Chợ Đồn hoặc sang Võ Nhai. Vị lãnh tụ tối cao của dân tộc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ sống và làm việc trong những “căn nhà lá tồi tàn với những Bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà cột…”[1]. Và từ “trong những ngôi nhà lá với những ông Bộ trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh”[2].
Tại ATK Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo quân dân cả nước vừa “kháng chiến vừa kiến quốc”, kiên trì thực hiện đường lối “trường kỳ kháng chiến”, càng đánh càng mạnh.
Với tham vọng nhanh chóng kết thúc chiến tranh, áp đặt lại ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp mở cuộc hành quân lên Việt Bắc, hòng bắt gọn cơ quan lãnh đạo kháng chiến, phá tan ATK Trung ương. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, đánh tan cuộc hành quân quy mô, đầy tham vọng của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới - giai đoạn “sức ta ngang bằng sức địch”. Với thế và lực mới, từ AN TOÀN KHU, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã chỉ đạo quân và dân cả nước phát triển chiến tranh du kích, đẩy mạnh vận động chiến, tiến lên giành thắng lợi mới.
Năm 1950, trước những chuyển biến của tình hình thế giới và sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến, từ AN TOÀN KHU, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Biên Giới, nhằm mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta thoát khỏi vòng vây quân thù, nối thông nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước sang thời kỳ giành quyền chủ động, mở các chiến dịch tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào bị động; cục diện chiến tranh ở Đông Dương chuyển biến mạnh theo chiều hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi nhiều cho thực dân Pháp, can thiệp Mỹ.

1

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tỉn Keo - Định Hóa năm 1950.

Để cứu vãn tình thế, giữa năm 1953, Chính phủ Pháp quyết định cử Tướng Navarre sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, với hy vọng tài năng của viên tướng này sẽ xoay chuyển được tình thế, nhằm buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp thương lượng theo những điều kiện mà phía Pari có thể chấp nhận được, tức là những điều kiện chấm dứt một cách “danh dự” cuộc chiến tranh mà Pháp đã hao tổn quá nhiều trên nhiều phương diện. Qua nắm tình hình và trên cơ sở những toan tính của mình, Nava lập kế hoạch tác chiến đầy tham vọng, với những nét lớn:
- Trong chiến cuộc 1953 - 1954, thực hiện phòng ngự chiến lược ở phía Bắc vĩ tuyến 18, tránh giao chiến toàn diện; ngược lại, cố gắng thực hiện tiến công ở Nam vĩ tuyến 18 nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, đặc biệt là tiến công chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5.
- Sau khi nắm trong tay ưu thế về lực lượng cơ động, từ mùa Thu năm 1954, sẽ chuyển lên tiến công ở phía Bắc Hoành Sơn, tạo nên một cục diện quân sự khiến Pháp có được một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh.
Tháng 7/1953, Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch trên, mang tên Kế hoạch Navarre, với hy vọng “trong hai năm tới nếu không phải là một thắng lợi quân sự hoàn toàn thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”[3].
Thực hiện kế hoạch Navarre, Hè - Thu 1953, Pháp ráo riết tổ chức, phân bố lại lực lượng trên các chiến trường, tập trung cho chiến trường chính Bắc Bộ, tăng cường các hoạt động quân sự quy mô lớn, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định vùng chiếm đóng, tiến công vào vùng tự do của ta.
Trong khi đó, rút kinh nghiệm từ Chiến dịch Tây Bắc 1952, khi bộ đội ta chưa giải quyết được cứ điểm Nà Sản[4], tháng 2/1953, Tại Định Hóa, Bộ Tổng tham mưu triệu tập hội nghị nghiên cứu cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hội nghị xác định: luyện tập đánh công kiên và đánh tập đoàn cứ điểm là nội dung chính trong đợt huấn luyện Hè - Thu 1953. Sau thời gian huấn luyện, đầu tháng 7/1953, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị rút kinh nghiệm và giao Đại đoàn 308 chuẩn bị diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm. Xã Đồng Thịnh, được chọn làm thao trường diễn tập. Đại đoàn 308 được lựa chọn là đơn vị thực binh. Gần 200 đại biểu là chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn, cán bộ địa phương tới tham quan, rút kinh nghiệm và học tập. Cuộc tập trận diễn ra trong hai ngày đêm, được đánh giá chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt kết quả tốt đẹp, Trung đoàn 102 và Đại đoàn 308 được Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh và Tổng Tham mưu trưởng biểu dương. Kết quả của cuộc diễn tập đã góp phần bổ sung hoàn thiện chiến thuật, trang bị, ý chí chiến đấu cho bộ đội chủ lực khi thực hiện đánh tập đoàn cứ điểm của địch.
Nhằm giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, cuối tháng 9/1953[5], tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954.
Thay mặt Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày hai phương án tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị.
Thứ nhất, phương án tập trung toàn bộ hay phần lớn bộ đội chủ lực đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ.
Thứ hai, điều động lực lượng mở các cuộc tiến công vào các hướng khác. Căn cứ phương hướng chiến lược đề ra từ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1/1953), Tổng Quân ủy cho rằng: chưa nên đánh vào đồng bằng Bắc Bộ ngay mà phải phá âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một số đơn vị chủ lực hoạt động ở Tây Bắc. Mặt khác, bộ đội tình nguyện phối hợp với lực lượng Pathét Lào tăng cường hoạt động, buộc địch phải phân tán binh lực. Trong khi đó, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích khắp các chiến trường địch hậu trên cả nước, đặc biệt là tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời có kế hoạch bảo vệ vùng tự do; bố trí một số đơn vị chủ lực ở những địa bàn quan trọng, sẵn sàng đánh địch khi chúng đánh ra.
Sau khi nghe trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; xác định chủ trương tác chiến tổng quát trong Đông - Xuân 1953 - 1954 như sau: Sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; cùng với đó, đấy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do tạo điều kiện để bộ đội chủ lực thực hiện đánh lớn. Bộ Chính trị thống nhất kế hoạch tác chiến chung như sau:
Trên chiến trường miền Bắc: Sử dụng một số đơn vị bộ đội chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc.
- Đề nghị lực lượng Pathét Lào phối hợp với các đơn vị tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công ở Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch và mở rộng vùng giải phóng.
- Vì hành động của địch chưa rõ rệt nên trước mắt chúng ta chủ trương giấu kín bộ đội chủ lực. Trước cuộc tiến công của ta lên Tây Bắc, địch có thể tăng viện cho Tây Bắc. Trong trường hợp đó, ta sẽ tăng cường chủ lực lên hướng này để tiêu diệt sinh lực của chúng. Địch cũng có thể đánh sâu vào một hướng nào đó của căn cứ địa Việt Bắc nhằm cắt đứt giao thông, tiếp tế của ta, phá hoại các tuyến chi viện tiền tuyến gây tổn thất cho vùng tự do đồng thời buộc bộ đội ta ở Tây Bắc phải rút về. Nếu vậy, ta sẽ tìm cách nhử địch vào thế trận bày sẵn, rồi sử dụng một lực lượng chủ lực đánh tiêu diệt lớn.
 Ở hướng đồng bằng: Đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, củng cố, phát triển các căn cứ du kích và khu du kích, phối hợp tác chiến với các cuộc tiến công nói trên. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì tiêu hao và tranh thủ tiêu diệt sinh lực của chúng.
Trên chiến trường miền Nam: Tập trung phần lớn bộ đội chủ lực của Liên khu 5 tiến công địch ở Tây Nguyên, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai. Nhân dân, bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng với một bộ phận nhỏ bộ đội chủ lực tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu địch xâm phạm vùng tự do.
 Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ: Đẩy mạnh chiến tranh du kích, lợi dụng điều kiện thuận lợi mới do quân địch phải tập trung lực lượng ra các chiến trường khác mà tăng cường hoạt động đánh nhỏ, thắng chắc.
 Quân và dân vùng tự do Liên khu 4: Ráo riết chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công có thể diễn ra trên địa bàn mình.
Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay duỗi thẳng. […]. Đôi mắt Người lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói.
- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.
Bàn tay bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng”[6].
Trước khi bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hoá”[7] .
Như vậy, yêu cầu của kế hoạch tác chiến Đông - Xuân là khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán phá vỡ khối cơ động tập trung, điều động từng bộ phận chủ lực địch ra từng hướng khác nhau, rồi chọn hướng thuận lợi cho ta mà đánh trận tiêu diệt lớn.
Căn cứ vào phương án tác chiến đã được xác định, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch sử dụng bộ đội chủ lực và phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước, toàn Đông Dương; quân dân trên khắp Trung Nam Bắc thực hiện tiến công địch, giành nhiều thắng lợi, đặc biệt là ở Tây Nam Ninh Bình - đánh bại cuộc hành quân Hải Âu của địch.
Đến đầu tháng 11/1953, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp cho rằng: Kế hoạch Navarre đã đạt được những kết quả ban đầu và dự kiến ta sẽ mở các cuộc tiến công vào đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, khi nhận được tin Đại đoàn 316 của ta tiến quân lên Tây Bắc, Navarre cho rằng hướng tiến công chủ yếu của ta không phải đồng bằng Bắc Bộ như dự kiến mà sẽ là Tây Bắc, nên ngày 2/11/1953, ông ta đã lệnh cho Tướng René Cogny chuẩn bị cuộc hành binh không vận. Ngày 20/11/1953, 6 tiểu đoàn dù của Pháp đổ bộ chiếm giữ Điện Biên Phủ, lúc đầu với hy vọng kéo bộ phận bộ đội chủ lực ta lên đó để đỡ đòn cho đồng bằng. Về sau với mục đích “chặn đường khối cơ động tác chiến của Việt Minh, bảo vệ cho kinh đô Luang Phrabang của Lào”[8] “buộc Việt Minh phải giao chiến, chúng ta có thể quất tơi bời”[9]; bởi “từ trước đến giờ Việt Minh mới chỉ có thể hạ những đồn bốt lẻ, đôi khi một vài vị trí quan trọng, nhưng chưa bao giờ họ đánh được một quần thể phòng thủ vững chắc có hỏa lực pháo binh mạnh kết hợp với những lưỡi lửa của các cứ điểm đan xen vào nhau”[10].
Được Mỹ giúp sức, Pháp đã xây dựng ở Điện Biên Phủ 49 cứ điểm, được tổ chức thành nhiều cụm cứ điểm. Mỗi cụm cứ điểm có hàng rào dây thép gai rộng 56 km vây quanh; giữa các cứ điểm trong cụm cũng có hàng rào ngăn cách. Các lớp rào đều được tăng cường mìn nhẩy, mìn napan. Cách thức tổ chức đó đã tạo nên “trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, vừa có khả năng phòng ngự độc lập mạnh, vừa tạo thế phòng ngự liên hoàn khó chia cắt. Toàn thể trận địa phòng ngự, “các trung tâm để kháng” được liên kết chặt chẽ bởi ba phân khu: Phân khu trung tâm gồm 5 cụm cứ điểm bao bọc cơ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm, có các căn cứ hỏa lực, căn cứ hậu cần. Phân khu Bắc gồm 2 cụm cứ điểm. Các phân khu Trung tâm và Nam có các trận địa pháo, các sân bay (Mường Thanh, Hồng Cúm). Lực lượng quân Pháp, trước ngày ta nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954) gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu), 1 đại đội pháo 155mm (4 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc) và một phi đội không quân 17 chiếc (7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải, 1 trực thăng). Cùng với đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn được chi viện bằng đường không bởi các sân bay ở Hà Nội và Hải Phòng. Trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954), quân Pháp liên tục tăng cường lực lượng, đưa tổng quân số lúc cao điểm lên hơn 16 nghìn quân[11]... Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập hợp những gì được phòng thủ mạnh nhất và chưa từng có ở Đông Dương, được ví như “một Verdun ở Châu Á”, “lũy thừa 10 của Nà Sản”.
Các nhà chiến lược quân sự phương Tây đều cho rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Bởi không có không quân để đánh phá sân bay, để vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương xa đến chiến trường; không có xe tăng, xe bọc thép làm lực lượng đột kích để dẫn bộ binh đánh chiếm lần lượt các cứ điểm và đánh đối phương phản kích; không đủ hoả lực pháo để khống chế toàn bộ hệ thống phòng ngự của đối phương, nhất là chế áp pháo binh của quân Pháp để chi viện cho bộ binh xung phong nhiều đợt với mật độ cao; không có lực lượng phòng không đủ sức mạnh để bảo vệ đội hình chiến dịch, đánh trả có hiệu lực những cuộc tập kích hỏa lực bằng không quân của đối phương,… tức là không có những phương tiện tiến công tương ứng để đánh vào tập đoàn cứ điểm. Vậy nên, Nava và các tướng lĩnh và cả Chính phủ Pháp đều tin tưởng vào thắng lợi của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Về phía ta, “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dầu ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phân tán một lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, để che chở cho Thượng Lào, để phá kế hoạch tiến công của ta. […]. Hiện nay ta chưa thể quyết đoán địch sẽ đóng hay rút, sẽ đóng một nơi hay hai nơi, sẽ đóng lâu dài hay trong thời gian ngắn, sẽ tăng viện nhiều hay ít…, một là ta chưa có đủ căn cứ cụ thể để phán đoán âm mưu địch, hai là vì địch cũng có nhiều khó khăn, rút thì mất đất, tăng thì phân tán quân cơ động và có thể bị tiêu diệt nên chưa nhất định có chủ trương dứt khoát, hoặc hiện có chủ trương nhưng khi gặp khó khăn do sự đối phó của ta gây nên cũng có thể thay đổi. Vô luận rồi đây thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”[12].  
 

2

Ngày 06/12/1953, tại Lán Tỉn keo xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trì họp Bộ Chính trị
quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ những nhận định và kết luận trên, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Đại đoàn 316 gấp rút tiến lên đánh địch ở Lai Châu và điều thêm Đại đoàn 308 lên để vây địch ở Điện Biên Phủ. Ở Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang các Đại đoàn 312, 351 và Đại đoàn 304 (thiếu) được lệnh phải tuyệt đối bí mật và sẵn sàng đánh trả địch nếu chúng liều lĩnh tiến công lên vùng căn cứ địa của ta. Theo sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu vừa theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch đã được xác định, vừa khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án đánh địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ.
Trong khi Navarre ra sức xây dựng Điện Biên Phủ nhằm biến nới đây thành điểm giao chiến quyết định, vào ngày 6/12, cũng chính tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng có cuộc họp quan trọng, nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm tiến công địch ở Điện Biên Phủ, “trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này là một thắng lợi rất lớn”[13].
Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy xác định tổng quát về quân số tham gia chiến đấu, trang bị vũ khí, thời gian tác chiến, số lượng dân công phục vụ, kế hoạch đảm bảo hậu cần, lương thực thực phẩm,... Dự kiến đánh Điện Biên Phủ đệ trình Bộ Chính trị được chuẩn bị theo tinh thần “đánh chắc, tiến chắc”.
Sau khi nghe Báo cáo quyết tâm của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị thảo luận kỹ và kết luận: Về địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu là bị cô lập, mọi việc tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Về phía ta, với chất lượng đã được nâng cao thêm một bước trong “chỉnh huấn, chỉnh quân”, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cải cách ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch.
Từ kết luận đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và nhất trí thông qua Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. 
Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát (Phú Đình, Định Hóa) chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong hồi ký:
“Tôi lên Khuôn Tát chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch. Bác hỏi:
- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?
- Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.
- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.
Khi chia tay, Bác nhắc: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”[14].
Thực hiện lời dặn của Bác, dưới sự chỉ huy của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu, qua ba đợt tấn công kéo dài từ 13/3 đến 7/5/1954, đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược, đập tan tập đoàn cứ điểm mang đầy tham vọng giành phần thắng của Pháp cùng giới quân sự thực dân, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Như vậy, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo quân và dân ta tiến hành kháng chiến theo phương châm “càng đánh càng mạnh”, ngày càng thu được nhiều thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải từ bỏ chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh” chấp nhận đánh kéo dài và ngày càng lún sâu vào thất bại. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã có hai phiên họp rất quan trọng, liên quan mật thiết với chiến công vĩ đại của quân và dân ta trong Đông Xuân và đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng. Các quyết định của Bộ Chính trị trong hai phiên họp đó, thể hiện tư tưởng chiến lược và là những định hướng cơ bản cho kế hoạch tác chiến trong Đông - Xuân 1953 - 1954, thể hiện ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân - đánh trận quyết chiến chiến lược - chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Thực hiện quyết định này của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954), kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
ATK Định Hoá đã đi vào lịch sử là địa danh gắn liền với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ; là nơi Bộ Chính trị quyết định phương án tác chiến cho Đông - Xuân 1953-1954; quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và là nơi diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm để bộ đội ta có thêm kinh nghiệm khi bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và giành thắng lợi./.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên
Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự

 
 
[1] Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân và Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr. 290.
[2] Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Sđd, tr. 290.
[3] Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sẩm Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr. 61
[4] Trong đợt 1 và 2 của Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 10/10 đến ngày 23/11/1952), Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng khu vực giữa sông Thao và sông Đà, từ Vạn Yên lên tới Quỳnh Nhai; tiếp đó đẩy mạnh tiến công giải phóng Mộc Châu;bộ đội địa phương Yên Bái, Lai Châu lần lượt đánh chiếm Lai Châu, Tuần Giáo, Thuận Châu, Sơn La. Để tránh khỏi bị tiêu diệt, ngày 22 tháng 11 năm 1952, toàn bộ quân Pháp ở Tây Bắc tập trung về Nà Sản, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm lớn có 21 điểm tựa và 8 tiếu đoàn chiếm giữ, được hỗ trợ tối đa bằng không quân và pháo binh, nhằm ngăn chặn thế phát triển tiến công của ta. Từ ngày 24/11/1952 dến ngày 10/12/1952, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến công cứ điểm này, nhưng không giải quyết dứt điểm. Đến ngày 10/12/1952, nhận thấy đánh Nà Sản không chắc thắng, quân ta chủ động kết thúc chiến dịch. Tháng 8/1953, Pháp rút quân khỏi Nà Sản.
[5] Cũng có tài liệu viết là tháng 10/1953.
[6] Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006, tr.876.
[7] Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006, tr. 878.
[8] Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Ve’rite’s) Nguyễn Huy Cầu dịch (trích Hồi ký của tướng Navarre về Điện Biên Phủ), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.198.
[9] Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Ve’rite’s) Nguyễn Huy Cầu dịch (trích Hồi ký của tướng Navarre về Điện Biên Phủ), Sđd, tr.199.
[10] Henri Navarre: Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Ve’rite’s) Nguyễn Huy Cầu dịch (trích Hồi ký của tướng Navarre về Điện Biên Phủ), Sđd, tr.200.
[11] Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ-Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/05/2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr.319.
[12] Báo cáo Kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Đông-Xuân, ngày 23/11/1953, Trích trong Báo cáo về kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, tập 3, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1963, tr.15-16.
[13] Báo cáo của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị, ngày 6/12/1953, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, hồ sơ 109, Phông Quân ủy.
[14] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký,  Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.899-900.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4277

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập103
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,224
  • Tổng lượt truy cập18,335,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây