Những giá trị chính trị, lịch sử và khoa học, các khu di tích cách mạng ở Thái Nguyên đã và đang thu hút lượng khách du lịch đông đảo đến tham quan. Các khu di tích lịch sử cách mạng và cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ là thế mạnh của du lịch Thái Nguyên. Tuy nhiên, số lượng lớn các di tích, phân bố trải rộng trên nhiều huyện như: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình, Đồng Hỷ và thành phố Phổ Yên…, đòi hỏi sự quản lý, khai thác và phát huy phải xứng tầm với giá trị các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ. 1. Sự phân bố hệ thống cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có khoảng 60 di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều điểm di tích đã được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích, địa điểm di tích tại đây có thể phân theo vị trí địa lý tương ứng với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng như sau: 1.1. Cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa Định Hóa là huyện có mật độ di tích, điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh dày đặc, thuộc địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện đặc biệt, có giá trị quan trọng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Khu di tích ATK Định Hoá đã được Chính phủ ra quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012. Tại đây đang quản lý khoảng 20 di tích, địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 4 di tích quan trọng đã được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1981: - Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và chỉ đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Người đã viết nhiều thư gửi các làng xã, các ngành. Người nhiều lần dự và chủ tọa những cuộc họp của Hội đồng Chính phủ tại đây. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo thường xuyên đến làm việc với Người. - Xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình: Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở 3 lần (từ ngày 20/11 đến ngày 28/11/1947; từ ngày 1/1 đến ngày 7/3/1948; từ ngày 5/4 đến ngày 1/5/1948). Những ngày ở đây, Người đã viết nhiều tài liệu, ký nhiều sắc lệnh nhằm củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị thay đổi cục diện chiến trường chống Pháp. - Đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình: nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và chỉ đạo công cuộc kháng chiến trong nhiều thời điểm; chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng; cùng Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến mùa Xuân 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. - Địa điểm Đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ (1948).
Nhà bia lịch sử trên đồi Pụ Đồn, nơi diễn ra sự kiện phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngoài ra, còn nhiều điểm di tích tại Định Hóa có thể kể đến như: xóm Roòng Khoa, Nhà ông Ma Tử Vượng, xóm Nà Lọm, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc... 1.2. Cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Đại Từ Tại ATK Đại Từ, do địa hình và khoảng cách địa lý, trong khoảng thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để thuận tiện hơn cho việc lãnh đạo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại Đại Từ. Người cùng Bộ Chính trị, Chính phủ và một số cơ quan ở, làm việc, chỉ đạo công tác tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đánh dấu thắng lợi mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta khoảng giữa tháng 7/1954. Thời gian này, Người ở tại đồi Thành Trúc, thôn Vai Cày, xã Bản Ngoại. Tại đây, Người đã tiếp nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô là Ronan Cacmen sang Việt Nam làm phim tài liệu nghệ thuật “Ngày lịch sử”. Ngày 12/8/1954, Người dự Lễ đón tiếp Uỷ ban quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam1, tổ chức tại Thái Nguyên. Tại đây, Người đã bày tỏ nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta và khẳng định: nhân dân Việt Nam sẽ đưa hết lực lượng và sẽ cố gắng không ngừng để gìn giữ hòa bình và thi hành đúng đắn tất cả những điều khoản đã ghi trong hiệp định đình chiến. Điểm di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 72/2006/QĐ/BVHTT ngày 28/9/2006[1].
Ngôi nhà Bác Hồ ở từ 8/1954- 10/1954 trên đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ
Ngày 1/9/1954, tại Đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp cùng một số lãnh đạo chủ chốt khác đã dự Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là lễ nhận Quốc thư đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại sứ quán Trung Quốc cũng là Đại sứ quán nước ngoài đầu tiên tại nước ta. Điểm di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 9/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài những di tích chính này, tại các xã: Phục Linh, Hùng Sơn, La Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến, thăm hỏi, làm việc, động viên nhân dân kháng chiến. 1.3. Cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Phú Lương Tại Phú Lương, điểm di tích nổi bật phải kể đến là xã Hợp Thành - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất ngày 30/4/1952. Tại đây, Người biểu dương các cán bộ và chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng trong phong trào tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến và căn dặn mọi người cần đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp, thực hiện khẩu hiệu: “Hậu phương thi đua với tiền phương”. Địa điểm này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 98/2004/QĐ-BVHTT[2].
Hồ Chủ tịch chụo ảnh cùng các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc
Năm 1951, Người dự Hội nghị triển khai thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Phú Lương... Các địa điểm Người đã từng tới và làm việc đều trở thành những điểm di tích, những dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người dân Thái Nguyên nói chung, người dân huyện Phú Lương nói riêng. 1.4. Cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Võ Nhai Với vị trí địa lí thuận lợi kết nối giữa hai căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, tạo thành dải liên hoàn vững chắc cho kháng chiến, Võ Nhai đã vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong hơn 1 tháng ở tại Làng Vang, xã Tràng Xá (nay là xã Liên Minh). Tại đây, Người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp từ ngày 15/10 đến ngày 17/11/1947, ký Sắc lệnh số 102, viết Thư gửi những người Nam Bộ trong quân đội Pháp. Nơi đây còn ghi dấu nhiều địa điểm di tích nơi Người đã từng sống, làm việc như nhà ông Đàm Văn Sắc, nhà ông Nguyễn Văn Đắc, lán Bác Hồ... 1.5. Cụm di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với các chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau kháng chiến Tại thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên và một số huyện như Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ ghi dấu một loạt các di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự kiện sau này Người về thăm, làm việc và nói chuyện với nhân dân Thái Nguyên các năm 1955, 1958, 1959, 1960, 1962 và 1964. Trong đó, Khu Gang thép Thái Nguyên đã vinh dự được đón Bác đến thăm và làm việc 3 lần, được Người ân cần dặn dò: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần Cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép như gang. Nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy”[3]; Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc vinh dự được đón Bác đến thăm và làm việc 3 lần vào các năm 1960, 1962, 1964... Đặc biệt, để tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa đã được xây dựng, khánh thành nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2005). Nơi đây đã trở thành một công trình văn hoá với kiến trúc đền thờ truyền thống của dân tộc Việt Nam, là điểm nhấn mang tính hạt nhân không chỉ cho Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá, Thái Nguyên mà còn là một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có quy mô lớn, thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế. Có thể thấy, hệ thống các di tích, địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên phân bố trên diện tích rộng, đa dạng về loại hình, với số lượng di tích dày đặc, nên việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cần được quan tâm trên nhiều mặt. 2. Giải pháp quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích Nhận thức rõ tầm quan trọng của các di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị các cụm di tích, điểm di tích này: Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên. Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, công nhận 14 xã gồm: Xã An Khánh, xã Cù Vân, xã Văn Yên thuộc huyện Đại Từ; xã Khe Mo, xã Cây Thị, xã Hợp Tiến thuộc huyện Đồng Hỷ; xã Dương Thành, xã Lương Phú, xã Tân Đức, xã Hà Châu, xã Thanh Ninh thuộc huyện Phú Bình; xã Vô Tranh, xã Yên Đổ thuộc huyện Phú Lương; xã Bình Sơn thuộc thành phố Sông Công là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Công nhận huyện Đại Từ và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Theo đó, Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Quyết định số 98/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004 về việc xếp hạng di tích quốc gia. Theo đó, Di tích lịch sử Địa điểm Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952) xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên và Di tích lịch sử Địa điểm Xưởng quân giới, nơi chế tạo thành công súng Bazoka (1947) thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được xếp hạng di tích quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND, ngày 9/8/2011, xếp hạng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Tuy nhiên, số lượng các di tích dày đặc, trải rộng trên phạm vi nhiều huyện của tỉnh Thái Nguyên, trong khi nguồn lực có hạn là vấn đề cần đưa ra trao đổi, bàn bạc để có những định hướng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị các di tích một cách hiệu quả. Để làm được việc đó, cần có những giải pháp cụ thể sau: 2.1. Rà soát, lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng các di tích Xếp hạng di tích là một trong những căn cứ pháp lý để xây dựng các quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Chỉ tính riêng “ATK Định Hóa gồm 182 điểm di tích phân bố tại 22/23 xã, thị trấn: 30 điểm di tích cấp quốc gia, 26 điểm di tích cấp tỉnh, 126 điểm di tích đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng”[4]. Trên thực tế, nhiều điểm di tích tại các khu ATK Thái Nguyên vẫn chưa được xếp hạng. Đây là một trong những trở ngại pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích. Hiện nay, một số điểm di tích bị xuống cấp hoặc chỉ còn lại những dấu vết nền móng do không được bảo vệ. Chẳng hạn, “Khu Đoàn ủy gồm 200 nhà làm bằng gỗ, tre, nứa lá, Hội trường 12 mái. Hiện nay chỉ còn lại các nền nhà cũ, hai dãy bếp Hoàng Cầm của khu nhà ăn tập thể…”[5]. Trước thực trạng đó, việc rà soát, xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng phù hợp với từng loại hình các cụm di tích, điểm di tích còn lại là việc cần phải làm ngay. 2.2. Xây dựng quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt đối với các di tích quốc gia đặc biệt Nếu xếp hạng di tích là cơ sở pháp lý đầu tiên xác định cụm di tích, điểm di tích thì quy hoạch là căn cứ pháp lý về phạm vi khoanh vùng bảo vệ và định hướng cho các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích. Cho đến nay, mới chỉ có ATK Định Hóa đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 24/6/2021. Các vùng ATK Đại Từ; ATK Võ Nhai và các xã ATK thuộc các huyện Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ, thành phố Sông Công, Phổ Yên… mới chỉ được công nhận là vùng ATK hoặc xã ATK. Tuy nhiên, công tác tham mưu xây dựng quy hoạch di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần phải tính đến sự khả thi và đồng bộ giữa các quy hoạch có liên quan. Quy hoạch di tích phải phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng tại Quyết định số 419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3/2016 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030. Ngoài ra, quy hoạch di tích tại Thái Nguyên cần phải phù hợp không đi ngược với các quy hoạch và chiến lược quốc gia như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/11/2021; Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ ban hành ngày 28/01/2022; Quyết định số 664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch của địa phương cấp huyện. Để khai thác và phát huy giá trị các di tích hiệu quả, việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê quy hoạch các cụm di tích, điểm di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là điều cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. 2.3. Khai thác, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực trung du miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Du khách trải nghiệm trò chơi dân gian tại Noọng homestay (Phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên)
Thái Nguyên có gần 1,3 triệu người với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 8 dân tộc chiếm số đông (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Hmông, Sán Chay, Dao, Hoa), đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh[6]. Với đặc thù đa bản sắc văn hóa của các dân tộc, lại là cái nôi của di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Thực hành hát then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Biểu thống kê dân số một số dân tộc tại Thái Nguyên
Dân tộc
Số dân (người)
Tỉ lệ % trên tổng dân số toàn tỉnh
Kinh
902.370
70,12
Tày
150.404
11,68
Nùng
81.740
6,35
Sán Dìu
56.477
4,39
Sán Chay
39.472
3,06
Dao
32.370
2,51
Hmông
7.908
0,84
Với những tiềm năng phong phú cả về sinh thái, nhân văn và di tích lịch sử cách mạng, Thái Nguyên có nhiều thuận lợi trong phát huy di sản văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch. Du khách đến với Thái Nguyên ngoài việc “về nguồn” cách mạng, họ còn muốn được trải nghiệm văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương. Việc xâu chuỗi các tài nguyên du lịch, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các DTTS có vai trò bổ trợ cho phát huy di sản Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên. Cần có sự đầu tư nghiên cứu cơ bản làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Bởi nó là hồn cốt, kết tinh trí tuệ, tình cảm truyền thống của người DTTS ở Thái Nguyên. Nhân cách, ứng xử của con người cũng từ các di sản đó mà được hình thành. Thông qua di sản văn hóa phi vật thể, thế hệ trẻ trong cộng đồng cũng như công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử tộc người và lối sống tốt đẹp của người DTTS. Bởi thế, việc bảo tồn, phát huy văn hóa của các DTTS là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay. Chủ trương này đã được Đảng ta cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Trung ương như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 2.4. Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái Áp dụng lý thuyết bảo tàng học mới để xây dựng bảo tàng sinh thái tự nhiên bao gồm cả các cụm di tích, điểm di tích và các làng bản của người địa phương- chủ thể các di sản văn hóa. Đây là hướng đi mới đã được một số nước trên thế giới thực hiện có hiệu quả. Trong bảo tàng sinh thái, mọi hoạt động của cư dân địa phương được diễn ra một cách chân thật như những gì vốn có. Có một hiện tượng là, bảo tàng sinh thái đã phát triển đáng kể trong những năm qua, nhưng không theo một mô hình dập khuôn nào cụ thể mà là sự ứng dụng những lý thuyết và mô hình đa dạng để phù hợp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vì ngày càng có nhiều Bảo tàng sinh thái được thành lập trên toàn thế giới nên những ý tưởng ngày càng phát triển và những thay đổi trong cách tiếp cận đối với lý thuyết cũng được phản ánh qua sự phản hồi của cộng đồng liên quan. Các dạng bảo tàng này đã chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của nó thông qua sự xuất hiện ngày càng nhiều tại Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là ở Pháp, Ý, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mô phỏng sự khác biệt giữa bảo tàng truyền thống và bảo tàng sinh thái. Với mô hình bảo tàng sinh thái hay bảo tàng mới, các cụm di tích, điểm di tích bao gồm cả các chủ thể sáng tạo, thực hành và trao truyền văn hóa đều nằm trong chuỗi các hoạt động của bảo tàng. Mô hình này được nghiên cứu áp dụng đối với các cộng đồng người DTTS gắn liền với các di tích ATK sẽ phát huy được hiệu quả. Một mặt, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, mặt khác bảo tồn và phát triển di sản văn hóa bản địa gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. 75 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống di tích và địa điểm di tích về Người tại Thái Nguyên, ngày càng phát huy giá trị, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ hành hương về nơi cội nguồn cách mạng. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện phát huy giá trị các di tích ATK và di sản địa phương gắn với phát triển du lịch vừa đúng định hướng của Đảng, vừa phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay./.
TS. Vũ Mạnh Hà Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022
Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022
Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022
Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet
Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo