Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội - Tiềm năng, thách thức và cơ hội

Thứ sáu - 19/08/2022 21:31   Đã xem: 141   Phản hồi: 0

Theo lý thuyết Cực tăng trưởng, đối với mỗi vùng, hầu như không thể phát triển đồng đều mọi tọa độ lãnh thổ trong cùng một thời gian; ngược lại, luôn có xu hướng phát triển mạnh ở một số điểm - tọa độ nào đó trong khi một số nơi khác chậm phát triển hơn, thậm chí, trì trệ. Các tọa độ phát triển mạnh và nhanh hơn thường có ưu thế, lợi thế so với toàn vùng, có khả năng lôi kéo, dẫn dắt và lan tỏa phát triển toàn Vùng, được gọi là Cực tăng trưởng.
Cực tăng trưởng được định nghĩa là một tập hợp các ngành (sản xuất, dịch vụ, bao gồm dịch vụ công), được tập trung trong một tọa độ không gian xác định của một vùng lãnh thổ, có khả năng tạo động lực tăng trưởng mới và mạnh cho nền kinh tế vùng.

1
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy SamSung Thái Nguyên (2013)
Hình thành cực tăng trưởng về thực chất là quá trình tập trung đầu tư và tăng trưởng vào một vùng lãnh thổ xác định, hội tụ những lợi thế phát triển vượt trội; nhờ đó, những lợi thế vốn có được phát huy, gia tăng sức mạnh và được bổ sung lợi thế mới (lợi thế “động”). Phương thức để đạt mục tiêu là tạo sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất được bố trí cạnh nhau trong vùng, nhờ đó, tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí sản xuất, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Chu trình lan tỏa tăng trưởng và hấp dẫn đầu tư vào vùng cực diễn ra, tạo động lực tăng trưởng mới cho vùng.
Có ba yếu tố quyết định quá trình hình thành “cực tăng trưởng”.
Thứ nhất, tọa độ được “chọn” có lợi thế xuất phát nổi bật, thường là những điều kiện tự nhiên thuận lợi như mỏ khoáng sản, tài nguyên du lịch, vị thế địa - kinh tế, nguồn nước,…
Thứ hai, sẵn có các điều kiện cơ bản của tập trung kinh tế - nguồn nhân lực, giao thông kết nối, hạ tầng đô thị,… cho phép tập trung các nguồn lực “động” (vốn, công nghệ, nhân lực,…), đủ để “giải phóng”, phát huy sức mạnh của các lợi thế “tĩnh”, tạo sức tăng trưởng và lan tỏa phát triển vượt trội.
Thứ ba, được tạo điều kiện để có các chính sách khuyến khích mạnh và cơ chế hỗ trợ vượt trội đủ để tạo sức hấp dẫn đầu tư vào.
Về mặt logic, mấu chốt của việc xây dựng cực tăng trưởng là tập trung được đầu tư, nguồn lực và tăng trưởng. Việc xác lập và thực hiện các chính sách, cơ chế khuyến khích mạnh, triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển vượt trội, vì thế, luôn đóng vai trò là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng cực tăng trưởng.
Cần lưu ý rằng cách tiếp cận cạnh tranh này trong nhiều trường hợp dẫn tới “cuộc cạnh tranh cùng xuống đáy” khi các địa phương đều ra sức tăng khuyến khích, tăng ưu đãi dành cho các dự án đầu tư vào địa phương mình, coi đây là cách giành thắng lợi trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Gắn chặt với lý thuyết “Cực tăng trưởng” là lý thuyết “Liên kết không gian kinh tế”
Ý tưởng chủ yếu của lý thuyết “Liên kết không gian kinh tế” là thiết lập các khu vực tập trung các ngành hoặc các doanh nghiệp lớn có sức hút mạnh. Về thực chất, đây là việc tập trung các hoạt động kinh tế năng động nhất vào một tọa độ tăng trưởng của vùng, từ đó thúc đẩy phát triển các khu vực và ngành khác trong một phạm vi không gian, hình thành một tập hợp các liên kết kinh tế giữa cực tăng trưởng và các vùng xung quanh, mà mỗi nơi có một vai trò chức năng nhất định. 
Để phát triển kinh tế vùng, phải tập trung về mặt không gian các hoạt động sản xuất; và sự tập trung đó luôn được giả định là nằm ở đô thị. Các liên kết phát triển vùng nằm trong tương tác giữa cực tăng trưởng/đô thị và các vùng ảnh hưởng.
Cơ sở của liên kết vùng: Lợi thế so sánh vùng
Một trong những cơ sở quan trọng nhất của liên kết vùng là phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất. Phân công và chuyên môn hóa càng sâu thì nhu cầu liên kết nói chung, hợp tác nói riêng càng lớn. Nhưng chuyên môn hóa phụ thuộc chủ yếu vào lợi thế so sánh của mỗi vùng.
Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng vùng khác quốc gia ở chỗ chúng chuyên môn hóa và cạnh tranh trên cơ sở lợi thế tuyệt đối (so với vùng khác) hơn là lợi thế tương đối. Trong điều kiện tự do di chuyển lao động và vốn trong vùng thì lợi thế tuyệt đối sẽ không nằm ở chi phí nhân công và vốn rẻ mà cả ở các điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, tài nguyên, vị trí địa lý, …) và một vài yếu tố khác. Có quan điểm cho rằng vùng có lợi thế tuyệt đối khi nó sở hữu các tài sản công nghệ, xã hội, thể chế, hạ tầng ưu việt hơn các vùng khác. Những tài sản này mang tính ngoại sinh nhưng mang lại lợi ích cho các chủ thể trong vùng mà không có lực hấp dẫn nào khác có thể tạo ra sự phân bố lại các hoạt động kinh tế.
* ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÁI NGUYÊN TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA VÙNG THỦ ĐÔ
Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực Đông Bắc và của cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thái Nguyên cũng là Trung tâm Công nghiệp lớn của miền Bắc, đã từng là “thủ phủ gang thép”. Thành phố Thái Nguyên là Đô thị Trung tâm của Vùng, nơi hội tụ nhiều trường đại học và bệnh viện lớn cấp Vùng.
Một cách thực chất, Thái Nguyên gần như có đủ các điều kiện để được coi là một cực tăng trưởng quan trọng của Vùng miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân - cách tổ chức công nghiệp “đời cũ”, thiếu hạ tầng kết nối - nên trong thời gian qua, Thái Nguyên chưa phát huy được thật đầy đủ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và tạo lan tỏa phát triển Vùng.
Trong giai đoạn hiện đại, khi trở thành một thành tố của Vùng Thủ đô - nghĩa là có sự thay đổi đáng kể cả về vai trò chức năng lẫn các điều kiện thực thi, với những thay đổi mạnh mẽ về các điều kiện và cấu trúc phát triển, Thái Nguyên có thêm cả cơ hội, sức thúc đẩy lẫn áp lực để xác lập vai trò cực tăng trưởng đúng nghĩa của Vùng Thủ đô.
Nhận định trên hàm ý rằng cần rà soát lại các điều kiện bảo đảm cho Thái Nguyên đóng vai trò Cực Tăng trưởng trong một không gian phát triển mới, với những điều kiện đã thay đổi sâu sắc và hướng tới một đẳng cấp phát triển mới. Một sự nhận diện đúng thực lực và tình thế phát triển là cơ sở mang tính tiền đề để xây dựng chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển Cực tăng trưởng cho Thái Nguyên trong giai đoạn tới.
Căn cứ vào các nguyên tắc lý thuyết “Cực tăng trưởng” nêu trên, soi chiếu vào các điều kiện tự nhiên và thực tiễn kinh tế của Thái Nguyên trong quan hệ với Vùng Thủ đô, có cơ sở để nhận định rằng Thái Nguyên là một trong những địa bàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng mạnh của Vùng Thủ đô.
1. Các lợi thế tự nhiên
Thái Nguyên hội đủ các điều kiện - lợi thế tự nhiên để thu hút đầu tư.
Trước tiên, đó là tọa độ địa lý, xác lập vị thế địa - kinh tế của tỉnh đối với Vùng Thủ đô và rộng hơn, với Vùng Bắc bộ và cả nước.
2
Là một trong 10 tỉnh, thành phố tạo thành Vùng Thủ đô, Thái Nguyên có một vị thế địa - kinh tế đặc biệt.
Vị trí gần kề Hà Nội, đặc biệt là sát sân bay quốc tế Nội Bài, lại được kết nối với sân bay bằng đường cao tốc, Thái Nguyên có thể (và cần coi) sân bay Nội Bài là sân bay của chính mình. Đây là một trong những lợi thế “trời cho” Thái Nguyên trong bối cảnh phát triển hiện đại. Lợi thế này tạo thuận lợi đặc biệt về giao thông kết nối, nhất là kết nối quốc tế, tạo sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ mà không phải địa phương nào thuộc Vùng Thủ đô đều có[1].
Vị trí địa lý của Thái Nguyên trong Vùng - như bản đồ chỉ ra - cho phép Thái Nguyên đóng vai trò là tọa độ “hội tụ và lan tỏa phát triển Vùng”, làm cho Thái Nguyên trở thành cầu nối liên kết các tỉnh Việt Bắc với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong Vùng. Tự vai trò này mang lại cho Thái Nguyên một lợi thế - động lực tăng trưởng và phát triển “tự nhiên”. Tuy nhiên, để hoàn thành được vai trò chức năng đó, bản thân Thái Nguyên phải tự mình phát triển thành “cực tăng trưởng”.
Thái nguyên còn những lợi thế tự nhiên trội bật khác, điển hình là mỏ Núi Pháo, chứa nhiều kim loại quý (volfram, florit, bismuth), trong đó, quặng volfram có trữ lượng lớn thứ 2 thế giới, quặng bismuth chiếm 40% trữ lượng thế giới.
Nguồn tài nguyên quặng mỏ này là đặc biệt có giá trị trên quan điểm xây dựng cực tăng trưởng, vì đây chính là tiền đề hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao.
Thái Nguyên còn có diện tích đất rộng, tạo thành cái được gọi là “quỹ dự trữ phát triển công nghiệp và đô thị”. Trong điều kiện hiện nay, khi đất đai, mặt bằng ngày càng khan hiếm, lại đang diễn ra xu hướng bùng nổ phát triển Khu công nghiệp và đô thị, “quỹ dự trữ đất đại” là một lợi thế tuyệt đối để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là trong phạm vi Bắc Bộ, nơi có Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc bộ được hứa hẹn là tọa độ bùng nổ phát triển công nghiệp - đô thị. Đất nền làm khu công nghiệp - đô thị của Thái Nguyên có chất lượng tốt, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư. Đây cũng là một thế mạnh đáng kể trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
2. Các điều kiện nền tảng: dân số - lao động và hạ tầng kết nối
Điều kiện dân số - lao động
Quy mô dân số Thái Nguyên không lớn, chỉ hơn 1,3 triệu. Tuy nhiên, Thái Nguyên nằm trong khu vực tương đối sẵn có nguồn nhân lực “phổ thông”, tính cho cả vùng Bắc Bộ lẫn các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân số này, cộng với tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lưu chuyển mạnh, cho phép tạo ra “quy mô kinh tế” đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tương ứng với dân số là lượng lao động đông, trẻ và có trình độ học vấn khá cao.
Để hình thành và phát triển một cực tăng trưởng mang tính “truyền thống” (đẳng cấp đô thị và trình độ công nghiệp - dịch vụ không cao), từ góc độ lao động, Thái Nguyên có nguồn cung nhân lực tương đối bảo đảm. Khả năng đáp ứng nhu cầu lớn về lao động cho tổ hợp công nghiệp lắp ráp điện tử Samsung ở Thái Nguyên chứng tỏ điều đó.
Tuy nhiên, đối với cực tăng trưởng “thế hệ mới”, gắn với “vùng thủ đô”, phải đáp ứng những yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực, việc bảo đảm nguồn cung nhân lực và các điều kiện sống tốt cho họ sẽ là một thách thức lớn mà Thái Nguyên sẽ đối mặt.
Điều kiện Hạ tầng kết nối
Thái Nguyên có vị trí “đắc địa” - gần Thủ đô, gần sân bay quốc tế và có giao thông kết nối - cả “đối ngoại” lẫn “đối nội” - hết sức thuận lợi. Mấy năm qua, Thái Nguyên nổi lên như một ngôi sao về phát triển hạ tầng giao thông.
Sự khởi sắc kinh tế của tỉnh gắn với xu hướng cải thiện mạnh mẽ hạ tầng giao thông tạo thành động lực để Thái Nguyên “quyết chiến” mạnh hơn trong lĩnh vực này trong giai đoạn tới.
Tại 4 kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2021-2026) đã liên tiếp thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 11 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư trên 8.100 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (3.780 tỷ đồng); đường Vành đai I và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, Đồng Hỷ (1.152 tỷ đồng); tuyến đường gom bên trái cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn từ nút giao Sông Công đến nút giao Tân Lập (863 tỷ đồng); đường vành đai V, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang (700 tỷ đồng)…
Có cơ sở để tin rằng sẽ có sự đột phá mạnh mẽ về sức hấp dẫn đầu tư vào Thái Nguyên trong giai đoạn tới với sự thúc đẩy của nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông của Tỉnh, như Hộp trên cho thấy.
Xét trong mối liên hệ vùng, Thái Nguyên nằm trong “vành đai” hay “hành lang” công nghiệp Bắc bộ có tiềm năng phát triển mạnh. Các tỉnh - thành phố nằm cạnh Thái Nguyên - Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang - đều đang là, hoặc sẽ là những địa phương bùng nổ phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Nằm trong hành lang này, sẽ hình thành các mối liên kết công nghiệp, sẽ từng bước phát triển và định hình các chuỗi sản xuất - cung ứng mà Thái Nguyên chắc chắn sẽ là một đầu mối quan trọng. Thông qua liên kết, Thái Nguyên có điều kiện phát huy vai trò thúc đẩy và lan tỏa tăng trưởng, nhờ đó, thực hiện chức năng của một trung tâm tăng trưởng và phát triển vùng đúng nghĩa. Bản thân Thái Nguyên cũng chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các “láng giềng”, và đây là một động lực mạnh để tỉnh phải tiến vượt mạnh mẽ hơn.
3. Thực lực, sức hấp dẫn đầu tư và lan tỏa phát triển của Thái Nguyên
Chỉ sau khoảng hai kế hoạch 5 năm, Thái Nguyên đã phát triển thành một thực lực kinh tế mạnh, có độ tập trung kinh tế cao.
Vốn là “Thủ phủ công nghiệp gang thép” của miền Bắc trước đây, Thái Nguyên đã có những chuyển hướng mạnh mẽ về cấu trúc và đẳng cấp phát triển. Một lần nữa, Thái Nguyên đang biến mình thành “Thủ phủ công nghiệp mới” với hạt nhân là Tổ hợp Công nghiệp Lắp ráp Điện tử Samsung. Samsung đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh mẽ bậc nhất của Thái Nguyên, là tác nhân tạo lan tỏa phát triển mạnh mẽ bậc nhất của Vùng.
Nhìn tổng thế, trong 10 năm qua, Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm gần 12% - một thành tích mang dáng dấp của sự “thần kỳ”. Thái Nguyên đang là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy của doanh nghiệp. Cho đến nay, Thái Nguyên đã thu hút gần 170 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 9 tỷ USD, trong đó, Samsung chiếm hơn 2/3. Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thái Nguyên có hàng loạt khu công nghiệp lớn - KCN Sông Công I (195 ha), KCN Sông Công II (250 ha), KCN Nam Phổ Yên (120 ha), KCN Yên Bình (400 ha), KCN Điềm Thụy (350 ha), KCN Quyết Thắng (105 ha), trong đó, 4 KCN đã đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy…
Đột phá phát triển công nghiệp đặt Thái Nguyên vào quá trình bùng nổ phát triển trên toàn tuyến, ở mọi lĩnh vực, trước hết là sự bùng nổ dân số - lao động và phát triển đô thị.
Theo thống kê mới nhất của liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên, chỉ riêng số lao động của khối doanh nghiệp FDI tại Thái Nguyên đã đạt trên 121.000 người, một bộ phận lớn trong đó là lao động ngoài tỉnh, và lao động nước ngoài khoảng 5000 người. Tuyệt đại bộ phận lao động này đều là trẻ, đa số chưa lập gia đình.
Việc tập trung dân số - lao động cao độ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh sang các ngành sản xuất và cung ứng lương thực - thực phẩm, các ngành dịch vụ, bùng nổ nhu cầu nhà ở và thúc đẩy quá trình đô thị hóa.
Nắm bắt cơ hội này, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn ngành bất động sản - Danko Group, MIA, Tập đoàn TMS, Phúc Lộc, Xuân Trường… - rót vốn vào Thái Nguyên với các dự án quy mô. Có thể kể đến dự án Khu đô thị Mia Forest, dự án Phổ Yên Residence, Khu đô thị mới Diamond City Thái Nguyên, Dự án Kosy - Sông Công, Dự án TBCO Riverside, dự án Crown Villas, Dự án Khu đô thị TMS Bắc Sơn,…
Ngoài ra còn Dự án sân Golf Hồ Núi Cốc, tổng vốn đầu tư 1.214 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Trường An, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc - quần thể khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, bến du thuyền, tháp Phật giáo cao nhất thế giới (150m) do Tập đoàn Xuân Trường làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, dự án Danko City nằm tại trung tâm thành phố Thái Nguyên quy mô 50 ha với gần 1.600 sản phẩm gồm liền kề, biệt thự, shophouse. Dự án được xây dựng theo phong cách Châu Âu, sau khi hoàn thành sẽ là biểu tượng hiện đại của Thái Nguyên.
Thái Nguyên đang chuyển từ xu thế “công nghiệp hóa cổ điển” sang xu thế “hiện đại hóa - hội nhập quốc tế” một cách triệt để. Sự lựa chọn phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại -  công nghiệp - công nghệ cao, định hướng hội nhập quốc tế của Thái Nguyên là phù hợp với xu thế thời đại, do đó, có cơ sở bảo đảm thành công.
4. Những vấn đề đặt ra
Phân tích trên cho thấy Thái Nguyên đang trong xu thế hình thành “cực tăng trưởng mới” rất mạnh và đầy triển vọng. Trong bối cảnh đà tăng trưởng và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đang gia tăng, Thái Nguyên càng có cơ hội và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình này.
Như kinh nghiệm cho thấy, điểm mấu chốt để đạt được mục tiêu này là Thái Nguyên cần:
1) Xác lập một tầm nhìn chiến lược phù hợp thời đại, với các mục tiêu mang tính khát vọng cao, được xác định cụ thể và rõ ràng.
2) Ưu tiên xây dựng một số tọa độ trung tâm có chức năng tăng cường khả năng hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển. 
3) Cải cách thể chế mạnh mẽ để có một môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh rất cao, coi đây là công cụ quan trọng nhất, là “phần mềm - hệ điều hành” của trung tâm - cực tăng trưởng vùng.
Đối với cả hai nhiệm vụ này, việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Tổng thể mang tính tích hợp tầm nhìn đến năm 2050 mà Tỉnh đang triển khai là một cơ hội rất lớn cần được tận dụng tối đa.
Về vấn đề “tầm nhìn - khát vọng”, tư duy định hướng “công nghệ cao - sạch - thông minh” phải chi phối các nỗ lực định hình cơ cấu kinh tế của “Cực tăng trưởng Thái Nguyên” - nghĩa là định hình vai trò chức năng của Thái Nguyên trong các mối liên kết và chuỗi sản xuất - chuỗi cung ứng của Vùng Thủ đô.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên vẫn nghiêng về các khâu công nghệ thấp - giá trị gia tăng thấp - tiền lương thấp. Cần phải sớm tái định hướng lại cơ cấu này để các ngành công nghiệp - nền tảng phát triển của Thái Nguyên - không kìm giữ Thái Nguyên quá lâu trong hệ sinh thái công nghiệp “đời cũ”, sẽ thiếu sức cạnh tranh quốc tế và khó hội nhập hiệu quả trong tương lai.
Định hướng công nghiệp - nỗ lực chuyển nhanh sang hướng công nghiệp - công nghệ cao, kinh tế số hay tiếp tục “tận khai” xu hướng công nghiệp hóa truyền thống (ưu tiên sử dụng lao động kỹ năng thấp, khai thác và chế biến tài nguyên thô) - sẽ quyết định triển vọng đô thị hóa của Thái Nguyên - có thật sự bứt phá và nhanh chóng chuyển mình thành một đô thị hiện đại, thông minh và đáng sống đúng nghĩa hay không. Không định hướng phát triển cả Thái Nguyên thành một đô thị như vậy, Thái Nguyên khó mà tạo được sức hấp dẫn dân cư - lao động, đặc biệt là lực lượng chất lượng cao trong dài hạn. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ đánh mất vị thế dẫn dắt, thậm chí đối mặt với khả năng “giảm tốc” và tụt lại trong cuộc đua, không chỉ quốc tế mà ngay cả đối với các đô thị - cực tăng trưởng khác trong Vùng Thủ đô.
Về vấn đề tập trung một số mục tiêu ưu tiên để tăng cường khả năng hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển Thái Nguyên - đòi hỏi trực tiếp, vừa chiến lược, vừa cấp bách để thực hiện mục tiêu xây dựng cực tăng trưởng Vùng, xin nêu một vài gợi ý.
Thứ nhất, xây dựng trung tâm logistic cấp Vùng tại Thái Nguyên. Đây là một đòi hỏi mang tính khách quan - để Thái Nguyên thực hiện được chức năng “cực tăng trưởng”. Như đã nói, vị thế địa - kinh tế của Thái Nguyên mang lại cho tỉnh không chỉ giá trị kết nối vành đai công nghiệp - dịch vụ Vùng Thủ đô. Quan trọng không kém, Thái Nguyên còn là tọa độ liên kết các tỉnh miền núi Đông Bắc với Hà Nội, với Vùng Thủ đô và Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc bộ. Thêm nữa, Thái Nguyên cần và có thể trở thành tọa độ trung chuyển nguồn lực phát triển giữa các Vùng này. Cần lưu ý rằng các tỉnh Đông Bắc Việt Nam có “hậu phương kinh tế” rất mạnh là thị trường Tây Nam Trung Quốc. Bản thân Thái Nguyên đang là và sẽ là một trung tâm công nghiệp mới, tầm cỡ quốc gia.
“Cộng hưởng” tất cả các lợi thế đó, Thái Nguyên sẽ nhân bội giá trị thúc đẩy, dẫn dắt và lan tỏa phát triển. Một Trung tâm logistics mạnh phải được coi là kết quả tất yếu của quá trình cộng hưởng sức mạnh đó.
Cách tiếp cận phát triển đô thị của Thái Nguyên đương nhiên dựa trên nền tảng công nghiệp, song Thái Nguyên, với tư cách là “Thủ phủ Vùng”, có những lợi thế để trở thành một Trung tâm giáo dục, y tế và văn hóa của cả Vùng núi phía Bắc. Vị thế Trung tâm Vùng (Việt bắc) của Thái Nguyên kết hợp với vai trò Cực tăng trưởng Vùng Thủ đô vừa tạo cho Thái Nguyên lợi thế chiến lược - yêu cầu phát triển vượt trước, đồng thời đòi hỏi Thái Nguyên trách nhiệm to lớn - gánh vác chức năng “đi đầu và dẫn dắt”. Tích hợp hai yếu tố này đòi hỏi Thái Nguyên cách tiếp cận phát triển “vượt trước”, theo đó, đô thị Thái Nguyên phải trở thành Đô thị - Trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và dịch vụ đẳng cấp cao.
Thái Nguyên hiện đã có sẵn một số nền móng cho quá trình này. Đó là sự thừa nhận chính thức vị thế, vai trò và chức năng Vùng của tỉnh, là mức độ tập trung khá cao các trường Đại học, cơ sở đào tạo và các bệnh viện, trong đó có cả Đại học và Bệnh viện cấp Vùng, tại Thành phố Thái Nguyên,… Việc tăng thêm các loại năng lực này để Thành phố Thái Nguyên thực sử trở thành một Trung tâm Khoa học - Công nghệ - Đổi mới - Sáng tạo và Chăm sóc sức khỏe phù hợp với xu thế thời đại và đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống là một đòi hỏi thực tiễn mang tầm chiến lược nhưng đã đặt ra một cách cấp bách cho Thái Nguyên.      
Để thực sự là Cực Phát triển - không đơn thuần chỉ là Cực tăng trưởng - của Vùng Thủ đô, Thái Nguyên - “Thủ đô Kháng chiến, Thủ đô Gió ngàn” - còn phải phấn đấu trở thành một đô thị tỏa “ánh sáng đặc thù vùng Đông Bắc” xuống Vùng Thủ đô, tạo nên sức hấp dẫn văn hóa khác thường. Cộng hưởng vai trò của một trung tâm hội tụ văn hóa, một trung tâm có ngành công nghiệp văn hóa phát triển với sức hấp dẫn của một trung tâm công nghiệp, Thái Nguyên sẽ khẳng định vị thế đặc biệt trong sơ đồ phát triển của Vùng Thủ đô, nhưng sẽ không chỉ như vậy.
Về vấn đề xây dựng thể chế phát triển cực tăng trưởng
Cấu trúc phát triển mới, với điều kiện, vai trò và chức năng đặc thù, đòi hỏi phải có thể chế, cơ chế, chính sách phát triển tương ứng. Đây chính là vấn đề đặt ra, thậm chí là cấp bách hàng đầu, trong nỗ lực xây dựng Thái Nguyên thành cực tăng trưởng Vùng.
Trong phạm vi bài viết ngắn, chỉ xin nêu hai gợi ý.
Thứ nhất, cần nghiên cứu các mô hình phát triển cực tăng trưởng hay theo hướng hình thành cực tăng trưởng - của thế giới (các mẫu phát triển của Hàn Quốc, Trung Quốc) và của chính Việt Nam (như Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vân Phong - Khánh Hòa,…) để đúc kết các bài học về xây dựng thể chế đáp ứng yêu cầu tập trung đầu tư và lan tỏa phát triển nhằm mục tiêu tiến vượt.
Thứ hai, phụ lục dưới đây nêu một số gợi ý giải pháp tương đối cụ thể nhưng có giá trị phổ quát mà Thái Nguyên có thể tham khảo.
Kết luận
Để phát triển Thái Nguyên thành Cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, chắc chắn còn rất nhiều vấn đề phải bàn và rất nhiều việc phải làm. Nhưng không thể gói hết những cái đó trong một bài viết ngắn.
Bài viết này chỉ mang tính gợi ý, cố gắng góp phần định hướng và định hình khung khổ để xây dựng Cực Tăng trưởng Thái Nguyên theo nghĩa hiện đại.
Dù vậy, bài viết chứa đựng một niềm tin về triển vọng phát triển theo logic tiến vượt của Thái Nguyên, niềm tin về tính hiện thực của khát vọng phát triển mà Thái Nguyên đang hướng tới./.
PHỤ LỤC
Liên kết phát triển: Khái niệm và các mối quan hệ cơ bản
Liên kết phát triển là các mối quan hệ liên hệ phát triển ngành và liên ngành. Liên kết phát triển bao gồm các liên kết ngược và liên kết xuôi. Các hiệu ứng liên kết ngược (backward linkage effects) nảy sinh từ nhu cầu cung ứng đầu vào của một ngành nào đó mới được thiết lập. Hiệu ứng liên kết xuôi phát sinh từ việc sử dụng đầu ra của một ngành làm đầu vào của các hoạt động kéo theo. 
Trong số các loại liên kết phát triển, trong thời đại mở cửa và hội nhập, có một loại liên kết kinh tế đặc biệt quan trọng: Liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp đối tác trong nước. Loại liên kết này cũng có hai dạng cụ thể: liên kết dọc (vertical linkages) và liên kết ngang (horizontal linkages), trong đó liên kết dọc là mối quan hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp nước ngoài với các nhà cung cấp địa phương (liên kết ngược) và với người tiêu dùng đối với sản phẩm trung gian hoặc cuối cùng (liên kết xuôi). Liên kết ngang liên quan đến các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước dưới dạng các liên doanh và quan hệ mạng lưới giữa các doanh nghiệp; thể hiện sự tương tác giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương trong việc sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ trong cùng một quá trình (chuỗi) sản xuất. 
Các mối liên kết có hiệu ứng phát triển mạnh mẽ, trong đó, hiệu ứng quan trọng nhất là hiệu ứng lan tỏa, nảy sinh từ hoạt động của các công ty nước ngoài trong nền kinh tế (bản địa) thông qua quá trình bắt chước, học tập, mô phỏng của các doanh nghiệp trong nước về kỹ năng quản lý, công nghệ, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệu ứng liên kết được coi là xung lực tạo ra (các) khoản đầu tư mới thông qua sự vận động của các mối quan hệ đầu vào - đầu ra. Đây chính là điểm mấu chốt trong lý thuyết phát triển kinh tế mà theo đó, cần tập trung đầu tư vào những ngành có các mối liên kết mạnh, thông qua sức lan tỏa của chúng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một vùng kinh tế xác định. 
Về thực chất, liên kết phát triển là tập trung tăng trưởng vào một tọa độ ưu tiên, tạo nên một quá trình tăng trưởng không cân đối giữa các bộ phận cấu thành Vùng, qua đó, tạo hiệu ứng lôi kéo và lan tỏa tăng trưởng (phát triển). 
Lý thuyết liên kết phát triển chứa đựng một tư tưởng chiến lược rõ ràng: Để phát triển, trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần phải tạo ra các liên kết. Điều đó giúp tập trung nguồn lực tăng trưởng vào một tọa độ (ngành - vùng) xác định.
Tư tưởng chiến lược đó chứa đựng một tư duy chính sách cụ thể: Cần xác lập những chính sách thúc đẩy và tập trung liên kết phát triển, khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế liên kết, nỗ lực tạo lập các điều kiện thúc đẩy liên kết (hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nguồn nhân lực,…), sử dụng các công cụ khuyến khích (tiếp cận đất đai, năng lượng, vốn đầu tư,…) để tạo sức hấp dẫn đầu tư.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện Kinh tế Việt Nam
 
 
[1] Việc Tập đoàn Samsung lựa chọn Thái Nguyên làm địa chỉ đầu tư số 1 của mình ở Việt Nam là một minh chứng điển hình. 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập113
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,262
  • Tổng lượt truy cập18,335,604
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây