Thái Nguyên từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947)

Thứ hai - 12/09/2022 21:43   Đã xem: 391   Phản hồi: 0

Thái Nguyên, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, từng là “phên dậu” trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược phương Bắc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương trọng yếu để xây dựng An toàn khu Trung ương (ATK). Tại đây, nhiều quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã đưa cuộc kháng chiến của dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn. Thái Nguyên trở thành “Thủ đô kháng chiến” bởi những giá trị truyền thống và vị thế địa - chính trị đặc biệt quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của lịch sử trong bối cảnh đó.

1. Thái Nguyên sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, chính quyền cách mạng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đe dọa sự tồn vong của một quốc gia độc lập non trẻ. Trong bối cảnh đó, Thái Nguyên cũng phải cùng lúc đương đầu với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm” và các phần tử phản động. 
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vấn đề cấp thiết cần tập trung giải quyết kịp thời là cứu đói. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về phát huy truyền thống tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo thành lập các Ban cứu tế ở các xã và Hội tế bần ở thị xã, vận động các gia đình lập “Hũ gạo tiết kiệm”. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được 150 tấn gạo, ngô, khoai, sắn do nhân dân quyên góp để giúp đỡ các gia đình đặc biệt khó khăn, nhờ đó, nạn đói từng bước được đẩy lùi.
Cùng với các biện pháp trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp lâu dài là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa. Đó là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay! Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững nền độc lập”, Ủy ban hành chính tỉnh đã kêu gọi nhân dân thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, “Không bỏ ruộng hoang”. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 1.000 mẫu ruộng hoang hóa đã được phục hồi sản xuất. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tịch thu ruộng đất, đồn điền của thực dân Pháp chia cho dân nghèo và giao cho Ban kinh tế chỉ đạo tăng gia, sản xuất. Đến vụ chiêm năm 1946, sản lượng lương thực trong tỉnh đã tăng gấp đôi so với năm trước.
image 20221015084355 1
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân tích cực góp gạo chống giặc đói
Cùng với việc giải quyết nạn đói, tỉnh đã chỉ đạo công tác khắc phục khó khăn về tài chính. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện “Tuần lễ vàng” và thành lập “Quỹ độc lập”, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 5 kg vàng, hàng vạn đồng tiền mặt để góp phần cùng cả nước thực hiện “Kháng chiến, kiến quốc”.
Trên mặt trận chống “giặc dốt”, hàng vạn người dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia các lớp “bình dân học vụ”, với tinh thần “người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít”. Các ban bình dân học vụ được thành lập ở các địa phương. Khẩu hiệu “đi học là yêu nước” được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Vì vậy, trong vòng 4 tháng (10/1945 đến tháng 2/1946), đã có 5 ngàn người dân trong tỉnh thoát nạn mù chữ. Hệ thống giáo dục phổ thông cũng nhanh chóng được hoàn thiện, đến năm học 1946 - 1947, đã có 97 trường học các cấp với 3.812 học sinh, gấp 4 lần thời Pháp thuộc.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là việc tập trung củng cố chính quyền cách mạng, đấu tranh chống thù trong và giặc ngoài. Ngay từ cuối tháng Tám năm 1945, dưới danh nghĩa quân Đồng Minh làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, hàng vạn quân Trung hoa Dân quốc đã tràn qua Hà Giang, Tuyên Quang, theo Quốc lộ 13A sang chiếm đóng tỉnh lị Thái Nguyên và các vị trí trọng yếu dọc Quốc lộ 3. Cùng lúc, các tổ chức phản động như “Nam Dương Hoa kiều hiệp hội”, “Việt Nam phục quốc”, “Đại Việt quốc gia liên minh”, đặc biệt là “Việt Nam Quốc dân Đảng” đã công khai hoạt động. Những phần tử phản động nằm vùng như: Cóc Lương Sòi, Tô Văn Sầm đã kích động người Việt gốc Hoa và quần chúng ở Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình nổi dậy chống phá chính quyền cách mạng. Nhân cơ hội này, một số phần tử lưu manh, thổ phỉ cũng nổi dậy cướp phá nhiều nơi như: Tân Hòa (Phú Bình), Phúc Thuận (Phổ Yên), Minh Lập (Đồng Hỷ).
Trước tình hình đó, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập (giữa tháng 9/1945), tại xã Phấn Mễ (Phú Lương) để triển khai các chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kì. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh được thành lập, gồm 8 đồng chí, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. Hội nghị đã khẩn trương triển khai công tác xây dựng Đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp. Ngay sau đó, toàn tỉnh đã tập trung công tác đấu tranh chống những hành động chống phá của lực lượng Trung Hoa Dân quốc và các tổ chức phản động, các phần tử lưu manh, thổ phỉ.
Được nhân dân hậu thuẫn, các lực lượng vũ trang đã tiêu diệt các toán thổ phỉ ở Minh Lập (Đồng Hỷ), do Hoàng Bính Trai cầm đầu. Các toán cướp ở Đồng Bẩm (Đồng Hỷ), Đá Gân (Phú Bình) bị triệt phá. Các phần tử phản động thân Pháp ở Đồng Quằng (Định Hóa) cũng bị tiêu diệt, 114 khẩu súng và hơn 2.000 viên đạn bị tịch thu.
Những nỗ lực của quân và dân Thái Nguyên đã kịp thời giải quyết những khó khăn trước mắt. Thái Nguyên có điều kiện tranh thủ thời gian chưa có chiến sự để tích cực chuẩn bị mọi mặt bước vào cuộc kháng chiến đang đến gần.
2. Tích cực chuẩn bị mọi mặt, xây dựng An toàn khu Trung ương
Cùng với việc giải quyết nạn đói, nạn dốt và chống thù trong giặc ngoài, công tác củng cố chính quyền cách mạng các cấp được khẩn trương thực hiện. Đến cuối tháng 9/1945, Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời đã được thành lập ở các huyện, xã trong tỉnh. Ngày 23/12/1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên đã nô nức tham gia bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 2/1946, nhân dân tỉnh Thái Nguyên tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và xã. Đồng chí Lê Trung Đình được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.
image 20221015084355 2
Lễ mít tinh thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên ngày 20/8/1945
diễn ra tại Sân vận động thành phố Thái Nguyên ngày nay
Cùng với việc củng cố, kiện toàn chính quyền cách mạng các cấp, công tác bảo vệ chính quyền được chú trọng thực hiện. Đến tháng 5/1946, tất cả các xã đã xây dựng được lực lượng tự vệ chiến đấu. Các huyện phía Nam đã xây dựng được các đội du kích với 300 người tham gia. Ngày 15/4/1947, Ban Chỉ huy Tỉnh đội bộ dân quân tỉnh Thái Nguyên được thành lập, do đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên. Tiếp đó, Ban Chỉ huy các huyện đội bộ dân quân, xã đội bộ dân quân cũng lần lượt được thành lập.
Kháng chiến toàn quốc đang đến gần, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiêu thổ kháng chiến, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban phá hoại, chỉ đạo công tác phá hoại các công trình giao thông, nhà ở, để quân Pháp không thể sử dụng trong quá trình tiến quân. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo nhân dân đón 12.000 đồng bào từ các tỉnh có chiến sự tản cư đến Thái Nguyên.
Những giá trị truyền thống của Thái Nguyên cùng với những nỗ lực chuẩn bị của quân dân Thái Nguyên sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công là điều kiện căn cốt để Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lựa chọn nơi đây là một trong những điạ phương xây dựng An toàn khu Trung ương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số các đồng chí khác ở lại Việt Bắc thêm một thời gian để củng cố căn cứ địa cách mạng.
Cuối tháng 10/1946, Người cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Nguyễn Lương Bằng trở về Định Hóa, Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) chọn một số địa điểm làm việc của cơ quan Đảng, Chính phủ, trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô Hà Nội.
Đầu tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định lập Đội công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên nghiên cứu đường di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt cơ quan Trung ương. Đội gồm đại biểu các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể. Từ tháng 12/1946, một số cán bộ của Đội công tác đặc biệt đã lên Việt Bắc. Sau một thời gian khảo sát chuẩn bị, đội quyết định lựa chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) mà trung tâm là Định Hóa, Chợ Đồn, Sơn Dương làm nơi An toàn khu Trung ương (ATK), là “Thủ đô kháng chiến”. ATK Định hóa ra đời trong bối cảnh như vậy.
Công tác chọn địa điểm an toàn khu được chuẩn bị chu đáo, xem xét toàn diện mọi vấn đề: Cơ sở chính trị nơi đóng quân, bảo đảm thông tin liên lạc, chỉ huy, tổ chức kho lương thực, xây dựng cơ sở tài chính, địa điểm nhà máy, kho tàng. Sau vụ gây hấn của Pháp ở Hà Nội, Lạng Sơn (11/1946), công việc chuẩn bị cho cơ quan Trung ương, Chính phủ, Mặt trận rời khỏi Hà Nội đã được chuẩn bị khẩn trương. Cuối tháng 11/1946, các cơ quan Trung ương bắt đầu rời Hà Nội chuyển về các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Hành trình di chuyển của cơ quan Trung ương lên Việt Bắc qua 5 tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Tháng 5/1946, Chính phủ thành lập Nha tiếp tế (thuộc Bộ Kinh tế) để lo việc thu mua dự trữ thóc, gạo và các nhu yếu phẩm. Các kho dự trữ thóc gạo được đặt ở nhiều địa phương sẵn sàng phục vụ cho ATK Trung ương. Sau đó cơ quan phân tán muối (thuộc Bộ Tài chính) được thành lập. Hơn 400 tấn muối đã được vận chuyển rất công phu từ Văn Lí (Nam Định) lên chiến khu Việt Bắc. Máy móc vật tư các cơ sở y tế, giáo dục được thu gom dần  dần chuyển về chiến khu.
Tháng 4/1947, hầu hết  các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt  trận, Quân đội, Kinh tế, Giáo dục, Y tế… đều được di chuyển về Việt Bắc. Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương được Trung ương quan tâm lựa chọn, bởi những lẽ sau:
Định Hóa nằm ở Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc giáp với huyện Chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Kạn), phía Nam giáp Đại Từ, phía Đông giáp với huyện Phú Lương, phía Tây giáp với huyện Sơn Dương, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang. Đây là vùng rừng núi hiểm trở, trung tâm của căn cứ địa, có cơ sở cách mạng vững chắc từ trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
image 20221015084355 3
Lán Tỉn Keo ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên) nơi Bác Hồ sống và làm việc trong thời kỳ kháng chiến.
Định Hóa có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm từ lâu đời. Nhân dân Định Hóa đã góp phần cùng quân và dân cả nước trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia phong kiến độc lập. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, nhân dân Định Hóa đã tham gia các lực lượng khởi nghĩa chống Pháp. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Định Hóa là nơi có nhiều đảng viên hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Từ cuối những năm 30 đến đầu những năm 40 của thế kỉ XX, nhiều cơ sở cách mạng được thành lập ở các xã Bảo Cường, Bình Trung (Định Biên), Bình Yên, Phú Đình, Phúc Chu. Từ khi Chiến khu Hoàng Hoa Thám ra đời (1943), phong trào cách mạng ở Định Hóa phát triển mạnh mẽ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Định Hóa là một trong những nơi giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thái Nguyên (28/3/1945). Sau khi giành được chính quyền ở Định Hóa, Tổng bộ Việt Minh đã phân công cán bộ trực tiếp xây dựng Ủy ban Việt Minh các cấp trong huyện. Trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, cán bộ Trung ương tiếp tục tăng cường cho Định hóa. Chính vì vậy, trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, Định Hóa đã có chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể được kiện toàn, lực lượng vũ trang và bán vũ trang được xây dựng và củng cố. Đây là những điều kiện căn cốt giúp Định Hóa được Trung ương lựa chọn để xây dựng an toàn khu của cuộc kháng chiến.
Như vậy, mảnh đất và con người Thái Nguyên có những giá trị truyền thống được hun đúc, dựng xây và củng cố theo chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), với những điều kiện đặc biệt, Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương được Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lựa chọn làm An toàn khu Trung ương của cuộc kháng chiến. Những bài học sâu sắc về xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự ủng hộ tích cực, tự giác về vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đối với cách mạng trong những ngày gian khó, mãi còn nguyên giá trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay./.
PGS.TS Đỗ Hồng Thái
(Phó Chủ tịch Hội đồng trường,
Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập132
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,403
  • Tổng lượt truy cập18,335,745
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây