Phát huy truyền thống cách mạng thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền

Thứ hai - 15/08/2022 21:27   Đã xem: 1048   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, trên mảnh đất này đã ghi danh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử. Cách đây 105 năm, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo kéo dài hơn 6 tháng đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, chấn dộng dư luận thế giới, đã viết nên trang sử vàng oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.

Từ tháng 11/1940, theo Quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng, vùng Võ Nhai (Thái Nguyên) và vùng Bắc Sơn (Lạng Sơn) được chọn xây dựng thành căn cứ địa đầu tiên của cách mạng. Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, Trung đội Cứu quốc quân II ra đời, là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thái Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt đại bản doanh để lãnh đạo toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên, nhiều quyết sách quan trọng ra đời đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Và cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc mà trong công cuộc đổi mới hiện nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thái Nguyên vinh dự là một trong những tỉnh được Bác Hồ quan tâm, đến thăm nhiều lần nhất. Từ năm 1954 đến năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh Thái Nguyên 7 lần. Thực hiện lời căn dặn của Người, tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã có những đột phá mạnh mẽ, tạo bước chuyển dịch về cơ cấu kinh tế.
 

image 20221015082803 1

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên
(ngày 05/12/2020)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, song, với sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự năng động, sáng tạo, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, năm 2021, Thái Nguyên đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,51% (cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 95 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 840 nghìn tỷ đồng, cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD (đứng thứ 4 cả nước); tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 18.000 tỷ đồng, vượt hơn 2.200 tỷ đồng so với dự toán, cao nhất từ trước đến nay, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước; tạo việc làm cho khoảng 280 nghìn lao động, chủ yếu là người dân các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Kết quả này đã tiếp tục khẳng định vị thế của tỉnh Thái Nguyên đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Điều đó đã được Bộ Chính trị định hướng và thông qua tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, anh ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Phát triển các cụm liên kết, trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên”.
Các khu, cụm công nghiệp và các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Thái Nguyên có 7 khu công nghiệp với diện tích là 2.395ha, 35 cụm công nghiệp với diện tích 1.335ha và nhiều cụm tiểu thủ công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, 7 chuyên ngành công nghiệp quan trọng, thu hút được gần 1.000 doanh nghiệp Trung ương, địa phương và đầu tư nước ngoài đến đầu tư và đi vào hoạt động (trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu toàn cầu như: Tập đoàn công nghệ cao Samsung, Tập đoàn Masan...) đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp, xuất khẩu của khu vực và cả nước
Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh ổn định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 79,5% trên tổng số xã toàn tỉnh; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bằng 10% so với tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đổi mới, phát triển; lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động được đẩy mạnh; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay chỉ còn 2,16%.
Phát huy lợi thế cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thái Nguyên đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó phải kể đến một quyết định có tính đột phá là đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo cơ hội bứt phá để vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần xây dựng một Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển. Nắm bắt thời cơ, xu thế chuyển đổi số sẽ tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; đồng thời, xác định chuyển đổi số phải đi nhanh, đi trước, trong đó, cần tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời có hiệu quả của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31/12 là ngày chuyển đổi số. Nghị quyết về chuyển đổi số ra đời đã mở ra hướng đi mới, tạo nên sức sống mới, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Việc đầu tiên là thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu về chuyển đổi số. Theo đó, các cấp ủy Đảng đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết tới 100% cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ; các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã đăng tải, phát sóng trên 500 tác phẩm báo chí tuyên truyền về Nghị quyết chuyển đổi số. Sự thay đổi được hiện thực hóa ngay tại các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ngành, địa phương, đó là nội dung báo cáo đã được số hóa, phòng họp không giấy, hội nghị trực tuyến được triển khai phổ biến và quen thuộc. Có thể thấy, một số kết quả điển hình như: 100% cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều triển khai giải pháp phòng họp không giấy; hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản (tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện); duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Thái Nguyên; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về 09 đơn vị cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ gần 300 cuộc họp trực tuyến; hệ thống cổng thông tin điện tử được xây dựng, kết nối đến 100% các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn… Tất cả đã góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp, tạo nên môi trường hành chính công khai, minh bạch. Nét đặc biệt ở Thái Nguyên là thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Saigotel-NGS… với tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới.
Trung tâm Điều hành thông minh do Tập đoàn Viettel triển khai thí điểm với 11 nền tảng công nghệ số, như: nền tảng tích hợp hiển thị thông minh IOC, nền tảng quản lý camera tập trung, hệ thống xử lý giám sát, điều hành giao thông; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử… Đặc biệt là triển khai phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-Thai Nguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021, đến nay, đã có 207.963 lượt cài đặt, sử dụng. Thông qua ứng dụng C-Thái Nguyên đã có 788 phản ánh của công dân, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương.
Cùng với ứng dụng C-Thai Nguyen, việc phát triển nền tảng xã hội số, với tên gọi “Thai Nguyen ID” đã hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa là “cánh tay nối dài”, giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính của tỉnh. Tiếp đó, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ra mắt ứng dụng Sổ tay đảng viên và chính thức khai trương mạng di động 5G. Việc ứng dụng Sổ tay đảng viên, đây là bước đi mới, phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số, thể hiện tinh thần tiên phong trong cơ quan Đảng. Với công nghệ hiện đại, Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên sẽ giúp các tổ chức Đảng và đảng viên dễ dàng tiếp cận và tham gia hoạt động trên môi trường số một cách thuận lợi và an toàn, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ. Mạng di động 5G là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số. Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên, như một lời cam kết của tỉnh về việc bảo đảm hạ tầng hiện đại để thu hút các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh.
Các lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, như: Y tế, Giáo dục, Văn hoá, Công nghiệp, Giao thông, Nông nghiệp… cũng đều có sự chuyển mình, với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn, như: Thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí); toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), Sàn thương mại điện tử PostMart (postmart.vn); Hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên nền bản đồ số “Thái Nguyên SmartTrees”...; nhiều người dân đã xây dựng kênh bán hàng riêng trên youtube, đem lại thu nhập cao, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Bộ mặt đô thị thông minh dần được hiện hữu và hình thành tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên. Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số tại những nơi khó khăn nhất, vùng được đánh giá là vùng lõm thông tin của tỉnh vẫn được coi là quyết định táo bạo. Cùng với La Bằng (huyện Đại Từ), Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) là xã được tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số -CĐS). Theo đó, cáp quang kéo đến tận xóm, xã; hệ thống cụm loa thông minh phát hằng ngày 2 khung giờ buổi trưa và buổi chiều, giúp cho hơn 80% hộ dân tiếp cận thông tin. Từ trạm y tế xã Sảng Mộc, nền tảng khám bệnh từ xa đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mình. Giờ đây người dân tại địa phương khó khăn nhất của tỉnh có thể ngồi ở nhà để thực hiện những thủ tục hành chính qua môi trường số…
Việc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 tiếp tục là bước tiến chiến lược trong chuyển đổi số của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số. Sau một năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, từ thành phố đến những vùng xa khó khăn đều nhận được sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố kết quả chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp hạng A dẫn đầu cả nước. Hiện nay, Thái Nguyên đang triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nguồn cảm hứng, định hướng vào “hành trình chuyển đổi số” mà Thái Nguyên đã lựa chọn và đang thực hiện sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội./.

Ths. Đặng Xuân Trường
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên)



 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập133
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,397
  • Tổng lượt truy cập18,335,739
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây