Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập, vị trí chiến lược quan trọng của Thái Nguyên là “phên dậu” của quốc gia, che chắn mặt Bắc cho kinh thành Thăng Long đã được các triều đại phong kiến nhiều lần khẳng định. Nguyễn Trãi viết: “Thái Nguyên xưa là đất bộ Vũ Định; Đông và Bắc giáp Cao, Lạng; Tây và Nam giáp Kinh Bắc. Có 2 Lộ phủ, 9 huyện, 2 châu, 336 làng xã. Đây là nơi phên dậu thứ hai về phương Bắc vậy”[1]. Đại Nam nhất thống chí viết “Thái Nguyên nằm giữa nơi khe núi hiểm trở, chiếm giữ địa lợi, tài nguyên (...) cũng là một miền quan yếu”[2]. Trong khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, việc bảo toàn cơ quan lãnh đạo đầu não đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. V.I. Lênin viết: “không có một phong trào cách mạng nào mà lại vững chắc được nếu không có một tổ chức ổn định và duy trì được tính liên tục gồm những người lãnh đạo”[3]. Do đó, việc chọn đất đứng chân cho cơ quan đầu não vừa bảo đảm được an toàn vừa có thể chỉ đạo phong trào cách mạng nhanh chóng và kịp thời có một ý nghĩa hết sức to lớn. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị trí chiến lược của Thái Nguyên được nâng lên một tầm cao mới. Thái Nguyên trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng, trở thành “An toàn khu” (ATK) bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Sự ra đời của An toàn khu trên đất Thái Nguyên và tính đặc dụng của nó trong đấu tranh cách mạng và hai cuộc kháng chiến của dân tộc (chống thực dân Pháp 1945-1954 và chống Mỹ, cứu nước 1954-1975) đã thể hiện rõ sự đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, đồng thời cũng minh chứng cho vị thế quan trọng của vùng đất Thái Nguyên trong những điều kiện lịch sử mới. 1. Thái Nguyên trong đấu tranh cách mạng trước năm 1945 Cuối thế kỷ XIX, mặc dù chính quyền phong kiến nhanh chóng đầu hàng thực dân Pháp, nhưng người dân Thái Nguyên cũng như cả nước không chịu khuất phục. Tháng 3/1884, ngay khi đặt chân đến Thái Nguyên, người Pháp đã gặp phải sự phản kháng mãnh liệt của đội quân do Nguyễn Quang Khoáng chỉ huy cùng nhiều người dân tham gia đánh du kích. Sau đó, nhân dân Thái Nguyên lại được tập hợp dưới ngọn cờ chống Pháp của Mã Sinh Long; đặc biệt là đã hưởng ứng, hăng hái tiếp tế cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Công nhân tại các mỏ trên địa bàn cũng nhiều lần vùng lên đấu tranh, điển hình là cuộc đấu tranh năm 1913 của 300 công nhân mỏ kẽm Làng Hích chống giới chủ cúp lương, đánh đập, sa thải thợ. Trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX tại Thái Nguyên không thể không nhắc đến cuộc khởi nghĩa của binh lính do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo nổ ra vào tháng 8/1917, kéo dài 6 tháng.
Tranh vẽ Trịnh Văn Cấn và cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên
Tuy gây ra cho chính quyền thực dân, phong kiến khá nhiều tổn thất, đồng thời cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân ta nhưng phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, binh lính Thái Nguyên cũng như cả nước giai đoạn này đều thất bại. Trong lúc phong trào yêu nước của ta đang bị khủng hoảng đường lối, bộ máy cai trị tàn bạo của thực dân, phong kiến gia tăng bóc lột nhân dân và đàn áp dã man các cuộc đấu tranh, thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930). Sự kiện vô cùng quan trọng này tạo ra bước ngoặt lớn cho cách mạng Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên. Cuối năm 1936, với sự nỗ lực của đồng chí Đặng Tùng cùng sự giúp đỡ của nhân dân, cơ sở cách mạng ở La Bằng đã khá vững chắc. Tại xã La Bằng, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập vào cuối năm 1936. Những đảng viên đầu tiên là các đồng chí Đường Nhất Quý, Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp. Cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại La Bằng đã đánh dấu sự bắt đầu cho những biến chuyển mạnh mẽ của vùng đất Thái Nguyên và góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Từ La Bằng, đầu năm 1937, đồng chí Đường Nhất Quý đưa đồng chí Đặng Tùng sang xã Phú Thượng (Võ Nhai) gây dựng cơ sở Đảng và phát triển phong trào cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, ba thanh niên ở xã Phú Thượng là Chu Văn Tấn, Nông Văn Cần và Lục Văn Đủ được kết nạp vào Đảng. Nhiều thanh niên địa phương hăng hái hoạt động cũng sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và gia nhập Đảng. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, từ nửa cuối năm 1938 đến đầu năm 1939, các cơ sở Đảng ở Thái Nguyên được củng cố và phát triển. Tại Võ Nhai, cơ sở Đảng và phong trào cách mạng từ Phú Thượng phát triển rộng ra các xã: Lâu Thượng, Tràng Xá, La Hiên… Riêng số đảng viên ở các cơ sở này đã có gần 30 đồng chí. Phong trào cách mạng ở vùng núi Võ Nhai, Bắc Sơn ngày càng phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây và sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ, bất chấp sự đàn áp khốc liệt, tàn bạo của thực dân Pháp. Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai trở thành một trung tâm quan trọng của cách mạng cả nước, nơi nhiều yếu nhân của Đảng (như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ…) trực tiếp lãnh đạo, hoạt động. Ngay từ năm 1940, trước khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy lợi thế của Thái Nguyên, coi đây là một đầu cầu để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người viết: “Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”[4]. Ngày 15/9/1941, dưới tán rừng Khuôn Mánh (làng Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá), Trung đội Cứu quốc quân II, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh được thành lập, gồm 47 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy[5]. Sự ra đời và những chiến công liên tiếp của Cứu quốc quân II đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân trong và ngoài huyện.
Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh - Nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II
Cùng với Đại Từ, Võ Nhai, phong trào cách mạng ở các địa phương khác như Định Hóa, Đồng Hỷ, đặc biệt là ở Phổ Yên, Phú Bình cũng ngày càng phát triển; phong trào cách mạng không những có sự liên kết chặt giữa các địa phương trong tỉnh mà còn với các tỉnh lân cận. Nhân dân nhiều nơi nổi dậy chống lại ách áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Các cơ sở của Đảng cũng không ngừng được mở rộng. Từ nền tảng đó, năm 1943, Trung ương quyết định lựa chọn vùng tiếp giáp của ba huyện là Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên và Phú Bình để xây dựng thành khu vực an toàn gọi tắt là ATK 2… Sang đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Võ Nhai và nhiều địa phương khác trong tỉnh ngày càng lên cao dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, sự hoạt động tích cực của tổ chức Việt Minh, của lực lượng Cứu quốc quân II. Đêm 20, rạng sáng 21/3/1945, lực lượng Cứu quốc quân cùng đông đảo quần chúng đã đánh chiếm và giải phóng châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Tiếp nối khí thế đó, đến đầu tháng 4/1945, toàn huyện Võ Nhai được giải phóng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời các xã lần lượt ra đời. Trước đó, vào cuối tháng 3/1945, nhiều nơi ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình cũng được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Khí thế cách mạng hừng hực khắp nơi và chuyển sang giai đoạn cao trào. Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, tại đình Làng Quặng, tổng Định Biên Thượng (nay là xã Định Biên, huyện Định Hóa), đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và đội Cứu quốc quân được sáp nhập thành Việt Nam giải phóng quân, đội quân cách mạng chủ lực, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng… Thời cơ cách mạng đã chín muồi, sau Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), ngày 16/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân đã làm Lễ xuất quân tại Tân Trào hướng về giải phóng thị xã Thái Nguyên (lúc này đã được quân Nhật biến thành một cứ điểm mạnh). Quân và dân Thái Nguyên nhất tề nổi dậy khởi nghĩa, cùng với Quân Giải phóng đè bẹp ý chí phản kháng của quân Nhật và tay sai. Chiều 20/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Thái Nguyên được giải phóng khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Thái Nguyên là một bộ phận quan trọng của cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo; là kết quả của quá trình vận động cách mạng lâu dài, đặc biệt là từ khi cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời cuối năm 1936. Trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, bất chấp sự khủng bố tàn khốc của kẻ thù, những người cộng sản Thái Nguyên đã kiên trì vận động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy đấu tranh để đi đến thắng lợi. 2. ATK Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố ngay cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc. Vì thế, chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phản ánh quy luật tất yếu của cuộc kháng chiến. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”[6]. Như vậy, hậu phương có vai trò hết sức to lớn, quyết định thành bại của kháng chiến. Đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng càng lâu dài, gian khổ và ác liệt, vai trò của hậu phương càng trở nên quan trọng. Về sức mạnh của hậu phương, của thế trận lòng dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dù địch có những vũ khí tối tân, hùng binh ác tướng, nhưng chúng ta lại có những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn chúng. Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó”[7]. Từ khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đêm 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn vùng rừng núi Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng để xây dựng căn cứ địa kháng chiến của toàn dân. Một số địa điểm thuộc các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố “địa lợi” và “nhân hòa” đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động. Trong đó, Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc, vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Chính điều này đã tạo ra địa thế “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” của Thái Nguyên. Từ đây có thể cơ động khắp miền trung châu xuôi xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống duyên hải Đông Bắc bộ. ATK có hệ thống mạng lưới đường mòn tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng đến các địa phương song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch. Từ ATK Thái Nguyên có thể lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn thông ra biên giới, bảo đảm giao lưu quốc tế. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, chặng đường di chuyển lại không quá xa, luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến. ATK Thái Nguyên là địa bàn của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy khác nhau về ngôn ngữ nhưng lòng yêu nước đã gắn kết họ thành một khối đoàn kết thống nhất. Gần 10 thế kỷ (thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII) các dân tộc Thái Nguyên đã cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều cuộc xâm lược của ngoại bang. Vì vậy, nhân dân các dân tộc anh em nơi đây mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp là: anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục một sức mạnh nào, thật thà, chất phác, thủy chung. Từ khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội và càng trở nên sâu sắc. Trải qua cuộc vận động cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng bào nơi đây đã được giác ngộ chính trị sâu sắc, một lòng gắn bó với Đảng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Thái Nguyên cũng là địa phương có vị trí chiến lược hiểm yếu, sau lưng là miền rừng núi đại ngàn, được bao bọc bởi các vòng cung Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn và dãy Tam Đảo. Trước mặt là vùng trung du đồi gò bát úp và những dải đồng bằng hẹp trung lưu sông Cầu, sông Công. Địa thế các huyện Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai hiểm trở, đồi núi xen lẫn thung lũng, thuận tiện cho việc ẩn náu, có thể sản xuất tự cấp và giữ được bí mật. Chính nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn mà địch khó có thể tập trung lực lượng để đàn áp trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ATK Định Hóa. Trước đó, các cơ quan Trung ương, quân đội… đã di chuyển về chiến khu. Cùng với Việt Bắc, Thái Nguyên mở rộng vòng tay đón hàng ngàn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận lên tản cư. Từ đây, “Thủ đô gió ngàn” bắt đầu trọng trách lớn lao của mình. Thủ đô kháng chiến đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ một địa bàn lý tưởng để sống, làm việc và lãnh đạo toàn dân trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Trong đó, địa danh Điềm Mặc thuộc xã Thanh Định, Định Hoá là nơi Bác ở lâu nhất: 4 tháng 22 ngày. Trên đồi Khau Tý, một ngôi nhà sàn 2 gian được xây dựng làm chỗ ở cho Bác[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ATK Định Hóa, năm 1950
Ngoài ra, trong thời gian ở ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống và làm việc tại các địa điểm như: Làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (từ ngày 15/10 đến ngày 17/11/1947); xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (từ ngày 20/11 đến ngày 28/11/1947; từ ngày 11/1 đến ngày 7/3/1948 và từ ngày 5/4 đến ngày 1/5/1948). Thời gian này, Người đã viết nhiều tài liệu, ký nhiều sắc lệnh quan trọng nhằm củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thay đổi cục diện chiến trường chống Pháp. Xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 8/3/1948. Đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị và chỉ đạo công cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhiều đoàn thể Trung ương đều đóng ở ATK Định Hóa. Các nhà máy, các công binh xưởng đều ẩn trong vùng núi rừng hiểm trở. Tất cả các xã, các bản, các huyện đều phải nhận thêm số người, có khi đông hơn cả số dân địa phương. Những xã Trung ương ở nhiều nhất là Điềm Mặc, Thanh Định, Phú Đình (Định Hóa), Hùng Cường (Đại Từ), ngoài ra còn nhiều địa điểm tạm thời khác. Đóng vai trò “Thủ đô kháng chiến” của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ATK Thái Nguyên còn là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền ngoại giao Việt Nam. Tháng 1/1950, từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Từ đó, mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của đồng chí Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau của quân đội hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 01/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. ATK Thái Nguyên cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Gặp Paul Mus - đại diện Cao ủy Pháp, tại thị xã Thái Nguyên. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Léo Figuères dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô (cũ) và nhà đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen; nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế… được Bác Hồ tiếp tại Định Hoá. Các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn như: Chủ tịch Xuvanuvông, đồng chí Cayxỏn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia… trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã ở và làm việc nhiều ngày trên đất Đại Từ…”[9]. Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ thân thiện, hợp tác mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới được bắt nguồn từ ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày đầu tiên sau khi hòa bình lập lại. Từ ATK Thái Nguyên, hàng loạt quyết định lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam đã ra đời. Các binh đoàn chủ lực như: Đại đoàn 308 - Quân tiên phong (Thị trấn Đu, huyện Phú Lương), Trung đoàn 174, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn pháo phòng không 367 được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa và cũng đứng chân trên Thủ đô kháng chiến. Những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa: Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam. Ngày 20/1/1948, Người ký 6 sắc lệnh (Sắc lệnh số 110, 111, 112); tiếp đó, Bác ký 16 sắc lệnh ngày 25/1. Từ tháng 2 đến ngày 7/9/1948, Người viết bài, ký sắc lệnh, gửi thư, trả lời phỏng vấn của báo chí, ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và toàn thể các tướng sĩ… Lễ sắc phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và phong quân hàm cho một số tướng lĩnh quân đội vào ngày 28/5/1948; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã đưa ra các quyết định mở những chiến dịch lớn trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp cũng đều diễn ra tại ATK Thái Nguyên. Ngày 9/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Thái Nguyên thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức). Để đối phó với âm mưu và hoạt động của địch, Người đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 01/1/1954, cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy, Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. 3. Thái Nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện nhiệm vụ chi viện miền Nam (1954-1975) Là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên sớm được hưởng nhiều thành quả của các chính sách kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước ban hành. Thái Nguyên cũng là địa phương được thực hiện thí điểm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tháng 9/1954, sau 100 ngày thực hiện, 47 xã thuộc 4 huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên đã hoàn thành nhiệm vụ cải cách ruộng đất đợt 1. Từ ngày 22/10/1954, Thái Nguyên bước vào cuộc cải cách ruộng đất đợt 2 ở 22 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và Phổ Yên. Ở đợt thứ 2, công việc gặp nhiều khó khăn do nhiều địa chủ tìm cách chống đối, phân tán tài sản, khống chế, mua chuộc, đe dọa những người tham gia đấu tố. Tháng 1/1955, đợt 2 cải cách ruộng đất ở 22 xã kết thúc thắng lợi. Hơn 34.594 mẫu ruộng, 5.133 con trâu bò, 514 tấn thóc, hàng ngàn nông cụ từ tay giai cấp địa chủ đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua chia cho 21.024 hộ nông dân lao động không có ruộng, hoặc ít ruộng[10]. Cùng thời gian trên, Đảng bộ các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa đã lãnh đạo nhân dân ở 73 xã miền núi đấu tranh đòi địa chủ giảm tô, giảm tức thắng lợi. Ngày 21/1/1955, Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 được tổ chức khẳng định nhiệm vụ cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên kết thúc thắng lợi; đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ, phong kiến, thủ tiêu hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất và phương thức bóc lột của chúng ở nông thôn; biến ước mơ “người cày có ruộng” của nông dân trở thành hiện thực. Do Thái Nguyên là tỉnh miền núi, trung du, với hơn 95% dân số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nên công tác lãnh đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Thái Nguyên, trước hết và chủ yếu là công tác lãnh đạo vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể. Đây là cuộc vận động to lớn và hết sức khó khăn, vì tập quán sản xuất nhỏ lẻ đã ăn sâu trong tiềm thức của người nông dân. Trình độ văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm quản lý sản xuất nông nghiệp tập thể của đội ngũ cán bộ ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Mặt khác, đây là cuộc cách mạng chưa có hình mẫu để học tập nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bắt tay vào thực hiện, năm 1955, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo xây dựng thí điểm 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp: Cầu Thành, Sơn Tập, Xóm Gò (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ); đồng thời, lãnh đạo tiếp tục củng cố và phát triển các tổ đổi công. Đầu năm 1956, xây dựng thêm 2 HTX thí điểm, nâng tổng số HTX thí điểm lên 5 đơn vị. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên các HTX đều lúng túng trong quản lý lao động, điều hành sản xuất và phân phối sản phẩm. Cuối năm 1956, tình hình nông thôn trở nên rối ren, 3 HTX hoạt động cầm chừng, 2 HTX không còn hoạt động và đến giữa 1957, một HTX bị vỡ. Đúng vào lúc khó khăn ấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đón Bác Hồ về thăm. Ngày 2/3/1958, nói chuyện với đông đảo cán bộ, xã viên 4 HTX thuộc 2 xã Hùng Sơn và Độc Lập (nay là Tiên Hội, huyện Đại Từ) cùng một số cán bộ huyện, tỉnh và khu, Bác căn dặn, động viên mọi người phải hăng hái tham gia xây dựng tổ đổi công, xây dựng HTX nông nghiệp, tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Thực hiện mong muốn của Bác, phong trào đổi công lao động sản xuất nhanh chóng được phục hồi. Năm 1958, toàn tỉnh có 4.257 tổ đổi công, tăng gần 300 tổ so với năm 1957; các tổ đổi công đã hoạt động thực chất, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, phong trào xây dựng HTX cũng phát triển nhanh. Từ những hợp tác xã thí điểm, kinh nghiệm vận hành, quản lý, tổ chức sản xuất được Đảng bộ lãnh đạo rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời. Đến hết năm 1958, toàn tỉnh đã xây dựng được 28 hợp tác xã với 492 hộ gia đình xã viên. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập công trường xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên. Hơn 22 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây, cùng nhau hăng say lao động, không ngại khó khăn, gian khổ, san đồi, bạt núi, xúc hàng triệu mét khối đất đá, đổ hàng vạn tấn bê tông, xây dựng những nhà máy, phân xưởng, mỏ, với diện tích rộng gần 160ha đã lần lượt ra đời. Sau gần 3 năm, hơn 50 quả đồi, với gần 11 triệu mét khối đất, đá được san gạt; hàng vạn tấn bê tông, hàng ngàn tấn vật tư thiết bị được vận chuyển về mặt bằng công trường khu Gang thép để xây dựng nên khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của Việt Nam. Đúng ngày Quốc khánh 2/9/1960, Công trường Khu công nghiệp Gang thép làm lễ khởi công bằng việc đổ bê tông móng lò cao số 1 - mở đầu một giai đoạn lịch sử của ngành luyện kim hiện đại Việt Nam. Năm 1960 cũng là mốc thời gian đánh dấu hàng loạt xí nghiệp quốc doanh địa phương, với các ngành nghề: Khai thác sản xuất, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thực phẩm, dệt, da, may mặc được hình thành và đi vào hoạt động. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương tăng gần 5 lần so với năm 1955, sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng điện, than, nông cụ, phân bón, vật liệu xây dựng. Hệ thống mậu dịch quốc doanh và HTX mua bán ngày càng được mở rộng, với nhiều chủng loại mặt hàng phong phú, trong đó có 3 mặt hàng thiết yếu đối với đời sống của cán bộ và nhân dân là: vải, muối ăn và dầu thắp sáng. Ba mặt hàng thiết yếu này thường xuyên được cung ứng, bảo đảm kịp thời việc phân phối theo định lượng cho cán bộ và Nhân dân. Sự nghiệp văn hóa - giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ nhịp độ phát triển. Trong 3 năm (1958 - 1960), toàn tỉnh có thêm 28.000 người thoát nạn mù chữ, 30.000 lượt người theo học các lớp bổ túc văn hóa (chủ yếu là lớp 1, lớp 2), 122 cán bộ cấp huyện, 621 cán bộ cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trong các trường, lớp bổ túc văn hóa công nông. Số trường, lớp, giáo viên và học sinh phổ thông tăng hằng năm. Riêng năm học 1959 - 1960, toàn tỉnh có 162 trường, 944 giáo viên và 34.829 học sinh 3 cấp học. Các loại hình sân khấu nghệ thuật, điện ảnh mỗi năm phục vụ trên một triệu lượt người xem. Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được cải thiện rõ nét. Sau khi hoàn thành đợt 2 cải cách ruộng đất và đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau chiến tranh, tỉnh Thái Nguyên cùng với các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang tiến hành cuộc vận động thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Tháng 8/1956, Khu tự trị Việt Bắc chính thức được thành lập. Thị xã Thái Nguyên vinh dự được chọn làm thủ phủ của Khu. Trong lúc Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thái Nguyên cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân miền Bắc ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội thì đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam trực tiếp tham chiến và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo xây dựng nhiều cơ sở kinh tế và quốc phòng quan trọng; đặc biệt là Khu Liên hợp Gang thép Thái Nguyên - cơ sở công nghiệp luyện kim đầu tiên của miền Bắc, cùng với hệ thống các nhà máy chuyên sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Thái Nguyên cũng là đầu mối giao thông quan trọng nối thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng với các tỉnh Việt Bắc, lên biên giới Việt - Trung. Nhận rõ vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã nhiều lần huy động máy bay vào trinh thám vùng trời Thái Nguyên. Trong bối cảnh đó, xây dựng, phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, kịp thời chi viện sức người, sức của cho miền Nam trở thành nhiệm vụ quan trọng trong tình hình mới của cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh. Các hoạt động phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng trở nên khẩn trương. Công tác phòng không nhân dân được triển khai rộng khắp. Lực lượng dân quân, tự vệ tăng cường tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ xóm làng. Kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội địa phương, dân quân, du kích, tự vệ với các đơn vị bộ đội chủ lực được xây dựng và tổ chức diễn tập thường xuyên. Đầu tháng 8/1965, các cơ quan hành chính tại trung tâm sơ tán gần nhất là 8km, 80% dân trung tâm thành phố phải đi sơ tán. Toàn tỉnh xây dựng 146 trận địa phòng không, 200 nghìn hầm hào trú ẩn, 1.570 tự vệ luân phiên trực chiến… Ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá khu vực cầu Gia Bẩy và xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên), làm 147 người bị chết và bị thương, 45 ngôi nhà cháy, đổ; 3 cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp bị phá hỏng… Chỉ sau 1 giờ máy bay Mỹ ném bom, Ty Giao thông đã điều 20 xe ô tô tải chở đá làm đường ngầm Sơn Cẩm. Hợp tác xã Thuyền (thành phố Thái Nguyên) ghép 3 thuyền thành 1 phà trọng tải 2,5 tấn để chở ô tô con qua sông. 1.400 dân quân, tự vệ và dân công ở Thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ được huy động phối hợp với 200 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công binh Quân khu Việt Bắc đào, phá bom nổ chậm ở khu vực cầu Gia Bẩy; làm đường ngầm và ghép phà Sơn Cẩm. Đến 16 giờ ngày 19/10/1965, đường ngầm Sơn Cẩm được khai thông; cầu phà Bến Oánh được hợp tác xã Thuyền lắp ghép xong. Giao thông vận tải được khôi phục, đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ chiến đấu và đi lại của nhân dân. Ngày 17/10/1965, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc đã gửi điện kêu gọi quân và dân Thái Nguyên “Chuẩn bị tốt hơn nữa để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết bảo vệ khu công nghiệp lớn của Tổ quốc và cửa ngõ của hậu phương căn cứ địa Việt Bắc”. Để có đủ lực lượng sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo giao thông - vận tải trong tình huống bị máy bay địch đánh phá ác liệt, 1 đại đội và 2 trung đội bộ đội công binh được thành lập. Tỉnh Đoàn Thanh niên thành lập Đội 91 Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, với 600 cán bộ, đội viên, biên chế thành 4 đại đội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai”, quân và dân Thái Nguyên đẩy mạnh nhịp độ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quê hương. Cán bộ, đảng viên, công nhân Nhà máy Điện Cao Ngạn thực hiện khẩu hiệu “Giặc đến là bám máy, bám lò, xử lý sáng tạo. Giặc đi lại sản xuất với năng suất lao động cao hơn”. Năm 1966, do hai tầng nhà bị bom phá sập, Đảng bộ Nhà máy đã lãnh đạo cán bộ, công nhân dồn máy móc, thiết bị xuống tầng hầm, nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vận hành máy móc, kịp thời cung cấp điện cho các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hoạt động. Cũng từ giữa năm 1966, đế quốc Mỹ tập trung máy bay, bom đạn đánh phá có tính chất hủy diệt Khu Gang thép Thái Nguyên. Đảng bộ Công ty Gang thép đã lãnh đạo cán bộ, công nhân thực hiện tốt lời thề “Tổ quốc cần thép, cán bộ, công nhân Gang thép sẵn sàng đổi máu lấy thép”. Gần hai năm sản xuất dưới làn bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, thép và gang vẫn tiếp tục ra lò, công suất bình quân 170 tấn/ngày. Năm 1966, Công ty Gang thép Thái Nguyên sản xuất vượt kế hoạch 5,1%; hai tháng đầu năm 1967 (trước khi sơ tán), sản xuất vượt kế hoạch từ 2% đến 5%. Đảng bộ, công nhân Mỏ than Khánh Hoà cũng nêu cao ý chí, quyết tâm làm nhiều, làm tốt, làm cho Khánh Hoà - Kon Tum ruột thịt, làm cho cả miền Nam anh hùng. Trong bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, cán bộ, công nhân Tổ 7, Công trường khai thác 1 (tổ lao động XHCN), gồm 16 cán bộ, công nhân là phụ nữ, có con nhỏ, đã liên tục phấn đấu đạt giờ công và năng suất lao động cao. Tổ máy xúc đã nâng năng suất xúc than từ 300m³ lên 528m³/ca. Đội xe tải đã nâng năng suất vận chuyển từ 80 chuyến lên 126 chuyến/ngày. Tại Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, cán bộ, công nhân đã tháo dỡ hàng trăm tấn thiết bị, có thiết bị nặng hàng chục tấn, đưa đến nơi sơ tán lắp đặt để tiếp tục sản xuất. Máy bay Mỹ ném bom làm hỏng lò hơi, cán bộ, công nhân khôi phụ lại để bảo đảm sản xuất. Trong 3 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), thu ngân sách địa phương tăng bình quân mỗi năm 6,1%. Phong trào gửi tiền tiết kiệm nhiều tiến bộ. Cuối năm 1967, bình quân mỗi người dân trong tỉnh có số tiền gửi tiết kiệm 17 đồng, tăng 4 lần so với năm 1964. Các khối Giáo dục phổ thông, bổ túc văn hóa, đào tạo cán bộ khoa họ - kỹ thuật, dạy nghề không ngừng phát triển. Số trường học tăng từ 30% đến 57% so với trước chiến tranh. Mạng lưới y tế phòng không được tổ chức rộng khắp, giải quyết kịp thời hậu quả do chiến tranh gây ra. Công tác phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được tăng cường. Năm 1968, toàn tỉnh có 18 bệnh viện, 236 trạm y tế với 1.628 giường bệnh, 320 bác sĩ, y sĩ, tăng 37,4% so với năm 1965. Sau cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, công tác động viên tuyển quân chi viện chiến trường của các tỉnh, thành phố miền Bắc trở nên hết sức cấp bách. Chỉ tiêu tuyển quân của tỉnh Thái Nguyên trong năm 1968 bằng 91% chỉ tiêu tuyển quân 3 năm trước cộng lại. Nhưng nhờ có quyết tâm cao nên tuyển quân đợt 1, tỉnh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu quân số được giao. Các phong trào: Ngày hội thanh niên tòng quân chống Mỹ, cứu nước; vượt Trường Sơn đánh Mỹ; con em Đại Từ ra đi là chiến thắng… được phát động. Giữa lúc nhân dân đang tập trung khôi phục kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thì tháng 4/1972, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến quay trở lại đánh phá miền Bắc, với thủ đoạn tàn bạo hơn nhiều so với lần thứ nhất. Nhiều nhà cửa, đường xá, kho tàng, trường học, xí nghiệp và nhà máy của Thái Nguyên bị phá hủy. Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh đã lãnh đạo quân và dân làm tốt công tác chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu, đóng góp vào thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Trong khi cuộc chiến cam go nhất, Thái Nguyên được Trung ương giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ các tỉnh để chuyển cho chiến trường miền Nam và khu vực. Tính từ tháng 6 đến tháng 12/1972, Thái Nguyên đã trung chuyển 70.000 tấn lương hực, hàng hóa. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng ở ga Lưu Xá, đêm Noel 1972, 60 cán bộ, đội viên và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá đã hy sinh, trở thành khúc tráng ca bất tử trong lòng thành phố Thép[11]. Năm 1972, tỉnh được giao chỉ tiêu tuyển quân cao gấp 1,81 lần so với năm 1971. Với tinh thần tất cả vì miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, tỉnh đã hoàn thành cả 4 đợt tuyển quân, vượt quân số 2,42%. Trong giai đoạn 1965 - 1975, Thái Nguyên đã chi viện 48.278 chiến sĩ cho chiến trường (7.790 người hy sinh, 7.800 bị thương). Bình quân mỗi năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp cho Nhà nước gần 20 nghìn tấn lương thực, hàng nghìn tấn thực phẩm, đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tỉnh được tặng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 16 tập thể, 7 cá nhân được tuyên dương Anh hùng...[12]. Lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã tạo ra vị thế cũng như trao cho Thái Nguyên một sứ mệnh to lớn. Nhân dân Thái Nguyên đã làm tròn những nhiệm vụ thiêng liêng cao cả đó. Bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo tối cao của toàn dân tộc, góp phần quan trọng đưa cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang và hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) đến thắng lợi cuối cùng. Lịch sử đã sang trang mới, sứ mệnh lâu dài, căn bản và quan trọng nhất mà lịch sử dân tộc trao cho Thái Nguyên cùng với các tỉnh biên giới phía Bắc trước đây, hiện nay cũng như sau này, vẫn là làm tròn trách nhiệm một vùng “phên dậu” của quốc gia, bảo vệ một dải biên cương vô cùng trọng yếu và thiêng liêng của Tổ quốc. /.
TS. Hoàng Thị Hồng Nga (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV Đại học Quốc gia Hà Nội)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022
Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022
Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022
Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet
Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo