Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cơ quan báo chí tại ATK Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ hai - 24/10/2022 22:47   Đã xem: 251   Phản hồi: 0

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, nhà báo có uy tín lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời cũng là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam nhằm phục vụ nhân dân và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, phát triển đất nước. Ngay từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của báo chí đối với việc hiện thực hóa con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Thấm nhuần sâu sắc những quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, Người luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng cũng như tác động to lớn của báo chí đối cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, là vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động nhân dân.

Do đó, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đặc biệt chú trọng xây dựng nền báo chí cách mạng, với đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó. Một trong những nơi ghi đậm dấu ấn của sự ra đời các cơ quan báo chí trong nước phải nhắc đến Thái Nguyên - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Chính phủ đứng chân và lãnh đạo nhân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1946 đến năm 1954.
1. Hồ Chí Minh sáng lập các cơ quan báo chí ở Thái Nguyên thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Kể từ ngày Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (21/6/1925), đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam trải qua 97 năm, không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về loại hình, chất lượng, quy mô và số lượng. Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên vinh dự là “cái nôi” của nền báo chí cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời của nhiều cơ quan báo chí lớn như: Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Thái Nguyên cũng là nơi trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra nhiều sự kiện báo chí quan trọng
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập trong phạm vi cả nước, báo chí cách mạng cũng đánh dấu bước phát triển mới, với sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến. Nhiều cơ quan báo chí cách mạng quan trọng đã ra đời tại ATK Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành việc thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.
3
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến mở lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, thu hút gần 50 học viên. Đây là trường học về báo chí đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào báo chí đang phát triển mạnh mẽ. Tháng 6/1949, trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chí Minh nêu lên 6 điểm chính của báo chí cách mạng:
“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung;
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì;
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân thi đua ái quốc. Vì vậy;
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”[1].
Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng, các đồng chí Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó gia nhập Mặt trận Liên Việt.
Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến với sự ra đời của các báo: Sự Thật, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Vệ quốc quân, Văn nghệ, Phụ nữ, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhằm tuyên truyền, giáo dục và tổ chức trong bộ đội, ngày 10/3/1947, Báo Vệ Quốc quân ra số 1 tại núi rừng Việt Bắc. Ngày 27/3/1947, Bác viết thư gửi cho Báo, nêu rõ: “Vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội…”[2].
Tháng 3/1949, Báo Quân du kích, cơ quan của Cục Dân quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu xuất bản. Bác viết thư chỉ thị về nhiệm vụ và nội dung của Báo là: “Về nhiệm vụ, làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ. Mỗi làng xóm là một pháo đài. Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt. Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần. Về nội dung: Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, nhớ được, làm được”[3].
Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên ở bản Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trang nhất của số báo đầu tiên đăng trang trọng chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”[4].
4
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ,Võ Nguyên Giáp đọc báo tại ATK năm 1947
Tháng 2/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng quyết định ra một tờ báo mới làm cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng kế tục sự nghiệp báo Sự Thật, lấy tên là Nhân Dân. Ban Biên tập đầu tiên của báo Đảng gồm 8 người, trong đó có 5 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương gồm: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương. Báo Nhân dân ra đời, kế tục sự nghiệp vẻ vang của các tờ báo Thanh niên, Tranh đấu, Cờ Giải phóng, Sự thật. Trước đó, báo Sự thật ra mỗi tháng hai kỳ, khổ nhỏ, in tại Nhà in Lê Hồng Phong, đặt tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Máy nhỏ, công suất yếu, nằm sâu trong rừng, không tiện việc vận chuyển vật liệu, phát hành. Do đó, Trung ương quyết định xây dựng một nhà in tương đối lớn (trong điều kiện kỹ thuật lạc hậu lúc ấy) dưới chân Đèo Khế, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Báo Nhân Dân số 1 đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội đại biểu lần thứ II. Trang 1 số đầu in măng sét đỏ, đăng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (do họa sĩ Lê Minh Hiền từ miền Nam ra, vẽ tại Đại hội lần thứ II); bài ký tên Tổng Bí thư Trường Chinh, với đầu đề “Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta”. Những tờ báo đầu tiên của số 1 Báo Nhân Dân vừa được in ra đã có các chiến sĩ quân bưu và giao thông hỏa tốc chuyển đến các mặt trận, vùng tự do và vùng sau lưng địch, đưa nghị quyết của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ.
Những lời chỉ bảo của Người về phẩm chất chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng: Người làm báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ hiểu biết chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp; cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, không ngại khó khăn, hy sinh, vì nhân dân phục vụ; cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Người nhấn mạnh vai trò “chiến sỹ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo phải kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt; phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng; báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức, được đào tạo nghề nghiệp, biết ngoại ngữ…
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền cho nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, một chiều, xuyên tạc, thù địch, chống phá chế độ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ thế giới, tạo lập môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo báo chí, do đó, báo chí đã phát triển khá nhanh về số lượng. Năm 2019, cả nước có “844 cơ quan báo chí với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập…, hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 23.893 người đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp hội, trong đó có 63 hội nhà báo tỉnh, 19 liên chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương hội;…”11. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh sự phát triển về số lượng, các cơ quan báo chí từng bước nâng cao chất lượng; thực hiện tốt chức năng là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào những thành quả của quá trình đổi mới của đất nước.
Báo chí cũng góp phần không nhỏ phản ánh sinh động thực tiễn và quan điểm của các tầng lớp nhân dân, giúp Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Học tập sáng tạo cách viết và phong cách báo chí Hồ Chí Minh, đội ngũ những người làm báo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Nhiều nhà báo, tờ báo sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, nêu ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí. Trước sự tác động của kinh tế thị trường, các nhà báo luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không vì danh lợi, cám dỗ mà “bẻ cong” ngòi bút,…Đa số nhà báo đều đề cao tính chiến đấu, tính định hướng, viết cho ai với mục đích gì trong mỗi bài báo. Báo chí ngày càng phát huy vai trò định hướng tư tưởng, dư luận. Mỗi nhà báo là một chiến sỹ luôn ý thức cao nhiệm vụ đấu tranh với các thế lực thù địch, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo vệ chế độ và lợi ích của dân tộc, của quần chúng nhân dân.
Trước bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, báo chí Việt Nam về cơ bản đã vận dụng và thực hiện tốt những lời dạy của Người, từ việc lựa chọn sự kiện, góc độ thông tin, liều lượng và cách thức thông tin đến giải thích và bình luận về các sự kiện, vấn đề thời sự, đóng góp không nhỏ vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu, loạn thông tin, loại bỏ những nguy cơ có thể gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề không chỉ cho đời sống xã hội mà thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc và chế độ chính trị của đất nước. Trong xu thế thương mại hóa báo chí hiện nay, vì lợi nhuận, vì áp lực cạnh tranh, “chạy đua”, giành giật bạn đọc nên hoạt động báo chí vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm. Một số tờ báo chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của đối tượng công chúng mà mình hướng đến. Tình trạng trùng lặp tin tức, hình ảnh là khá phổ biến trong khi mỗi tờ báo đều có những đặc thù riêng. Đặc biệt, nguyên tắc khách quan, trung thực chưa thực sự được bảo đảm triệt để. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
- Lập trường chính trị vững vàng, có bản lĩnh kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước. Làm báo thực chất là làm chính trị, do đó ý thức nghề nghiệp của người làm báo trước hết là ý thức chính trị, ý thức về lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ giai cấp, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Người làm báo không dao động trước mọi cám dỗ, tiên phong trong chiến đấu chống các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng làm thay đổi chế độ chính trị của nước ta. 
- Rèn luyện, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình, phấn đấu đưa nền báo chí của nước nhà theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, vì nhân dân để phụng sự. Mỗi nhà báo phải sâu sát đến cơ sở, thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của thời đại, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
- Công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu to lớn, báo chí cần phải phản ánh trung thực, nêu gương tốt, điển hình, tiêu biểu để cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân noi theo. Bên cạnh đó, cần kiên quyết đấu tranh, chỉ rõ những hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lộng quyền và các tệ nạn xã hội để từng bước góp phần giảm thiểu những điều xấu, tôn vinh những nhân tố mới, tốt đẹp trong đời sống xã hội.
- Trước sự chống phá của các thế lực đối với công cuộc đổi mới của đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đội ngũ nhà báo cách mạng cần đấu tranh mạnh mẽ chống các quan điểm sai trái thù địch đang tìm mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
PGS.TS Doãn Thị Chín
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr  102.
[2] Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr 407.
[3] Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr 407.
[4] Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr 409.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1111 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:993 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4277

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập97
  • Hôm nay13,503
  • Tháng hiện tại172,627
  • Tổng lượt truy cập18,332,969
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây