Những chủ trương, quyết sách của Trung ương Đảng, Bác Hồ tại ATK Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ bảy - 08/10/2022 22:16   Đã xem: 338   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và đấu tranh cách mạng. Do có vị trí địa chiến lược nên ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn Thái Nguyên là một trong những nơi để xây dựng An toàn khu (ATK) Trung ương. Tại đây, nhiều chủ trương, quyết sách của Trung ương Đảng và Bác Hồ về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp đã ra đời. Đó là những quyết định mang tầm chiến lược, đã hiện thực hóa đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, góp phần giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
1. Những chủ trương, quyết sách của Trung ương Đảng và Bác Hồ tại ATK Thái Nguyên trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến-giai đoạn đấu tranh giành thế chủ động chiến lược
Tháng 5/1947, từ Sơn Dương, Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ và giúp việc trèo đèo, lội suối sang ATK Định Hoá (Thái Nguyên). Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đặt đại bản doanh để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến.
1
Hội đồng Chính phủ năm 1950 tại Việt Bắc.
Một trong những dấu ấn quan trọng trong thời gian ở ATK Thái Nguyên là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện tác phẩm Sửa đổi lối làm việc[1]. Đây là tác phẩm thể hiện đậm nét tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và Người gọi đó là “lối làm việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”[2]. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng mà còn là những chỉ dẫn, động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn quân dồn sức tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cùng với tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tại ATK Thái Nguyên, nhiều quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về chính trị, kinh tế, ngoại giao đã ra đời. Tiêu biểu là Sắc lệnh số 58/SL, ngày 6/6/1947, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đặt 3 loại Huân chương là Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập dùng để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những cá nhân có công với nước, với dân và có thể dùng để tặng các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam. Tiếp đó, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, khẳng định: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”[3].
Cũng tại ATK Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn để chỉ đạo hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi trong vùng tự do, các ủy ban tự túc, tự cấp về ăn, mặc được thành lập. Các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học… đều dành thời gian tăng gia sản xuất. Ngoài lương thực và hoa màu, nhiều nơi nhân dân còn trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm.
Trong hoạt động đối ngoại, thực hiện chủ trương tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhiều chủ trương lớn, quyết sách lớn về ngoại giao đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định và tiến hành tại ATK Thái Nguyên. Ngày 12/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Paul Mus tại Thái Nguyên, có Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cùng dự. Trong cuộc gặp, Paul Mus chuyển thông điệp của Cao ủy Pháp, trong đó nêu lên 4 điều kiện ngừng bắn: Thứ nhất, quân đội Việt Nam giao nộp vũ khí cho Pháp; thứ hai, quân đội Pháp được tự do đi lại trên đất nước Việt Nam; thứ ba, Chính phủ Việt Nam phải trao trả lại cho Pháp tất cả những người đã bị bắt; thứ tư, Chính phủ Việt Nam phải trao trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang phía Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán nghiêm khắc những điều kiện đồng nghĩa với sự đầu hàng mà Cao ủy Pháp nêu ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên lập trường của Chính phủ và nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp; đồng thời, khẳng định: Chúng tôi muốn hòa bình nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do[4]. Sau sự kiện này, năm 1948, tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam -Trung Quốc. Tiếp đó, tháng 1/1950, từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô, mở ra thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Trên lĩnh vực quân sự, nhận rõ âm mưu của Tướng Valluy-Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương khi chủ trương giao cho Tướng Salan-Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương ráo riết chuẩn bị “Kế hoạch tiến công lên Việt Bắc”[5], thông qua việc cho quân dù nhảy xuống Bắc Kạn và một cánh quân khác từ Lạng Sơn, theo Đường số 4 lên Cao Bằng tiến hành cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, ngày 15/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Với tầm nhìn chiến lược, Ban Thường vụ Trung ương Đảng xác định: “Cuộc tấn công lần này của địch, tỏ ra chúng mạo hiểm và khinh thường lực lượng ta. Chúng ta phải trấn tĩnh đối phó, vẫn phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhè những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt để nâng cao tinh thần bộ đội và củng cố lòng tin tưởng của nhân dân ở tiền đồ cuộc kháng chiến[6].
Nhằm huy động lực lượng đập tan cuộc hành quân lên Việt Bắc của quân Pháp, cũng trong ngày 15/10/1947, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích Việt Bắc ra sức tiêu diệt địch. Người cho rằng, địch âm mưu hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, dưới đánh lên, trên đánh xuống để tiêu diệt chủ lực ta và phá cho được cơ quan đầu não kháng chiến. Người chỉ rõ: Chúng chỉ mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách, cuộc tấn công của địch sẽ thất bại[7].
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông, góp phần “phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”; bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến; bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc. Thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã bẻ gãy và đập tan các mục tiêu của thực dân Pháp; đập tan ý đồ chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta-nằm trong ý định của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên sớm được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm An toàn khu Trung ương. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, ATK đã từng bước được xây dựng và bảo vệ vững chắc. Tại đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến, trong đó những chủ trương đúng đắn, kịp thời về về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từng bước phát triển vững chắc. Kể từ đây, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới.
2. Những chủ trương, quyết sách của Trung ương Đảng và Bác Hồ tại ATK Thái Nguyên trong giai đoạn đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi
 Đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam giành nhiều thắng lợi quan trọng. Sau khi đánh bại cuộc tấn công “Phoque” (Chó Biển) của thực dân Pháp lên Thái Nguyên (10/1950), với vị trí đặc biệt quan trọng, các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) tiếp tục được Trung ương chọn làm Trung tâm Căn cứ địa Việt Bắc-Thủ đô kháng chiến của cả nước. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các cơ quan trọng yếu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quân đội tiếp tục ở và làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực Pháp xâm lược.
2
Bác Hồ đến thăm các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Biên giới.
Đầu năm 1950, Trung ương Đảng đã xác định “đánh dần trung du, củng cố căn cứ địa chính” là một nhiệm vụ thiết thực của quân và dân ta. Trong kế hoạch tác chiến Thu - Đông 1950, Bộ Tổng Tham mưu xác định, sau Chiến dịch Biên Giới, sẽ mở tiếp chiến dịch mới ở Trung Du. Sau Chiến dịch Biên Giới, tại ATK Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và phê chuẩn, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo[8] tiến công địch ở Trung Du và một số hướng khác nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch. Mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh. Tranh thủ thời gian, phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện mới để tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa”[9].
Trong quá trình đối phó với cuộc tiến công của ta trên hướng Trung Du (Chiến dịch Trần Hưng Đạo), lo sợ nguy cơ ta đánh lớn ở đồng bằng, địch ráo riết tăng cường lực lượng cho Bắc Bộ. Đầu năm 1951, tại Thái Nguyên, Trung ương Đảng đã họp và quyết định mở chiến dịch ở hướng Đông Bắc (đường số 13 và đường số 17).
Ngày 9 và 10/2/1951, Đảng ủy Chiến dịch[10] họp lần đầu tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên và họp lần thứ hai (ngày 20/2) để phân tích, quyết định phương án tác chiến. Qua xem xét tình hình, Đảng ủy chiến dịch quyết định lấy đường 18 làm hướng chính của chiến dịch, còn Vĩnh Yên và Liên khu 3 là hai hướng phụ. Phương án này được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Đến ngày 26/2/1951, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh mở Chiến dịch Đường 18, mang bí danh Chiến dịch Hoàng Hoa Thám nhằm tiêu diệt sinh lực địch và phát triển du kích chiến tranh, coi tiêu diệt sinh lực địch là mục đích rất cơ bản và phát triển du kích chiến tranh là nhiệm vụ rất quan trọng[11].
Sau Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chủ trương chiến lược của Đảng là “nhân lúc địch chưa kịp củng cố thế phòng ngự chiến lược ở đồng bằng, nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội, tranh thủ thời gian tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ”[12]. Trên cơ sở chủ trương đó, ngày 20/4/1951, Trung ương Đảng họp tại Thái Nguyên, quyết định mở Chiến dịch Hà Nam Ninh nhằm tranh thủ thời gian trước mùa mưa, tập trung một bộ phận chủ lực tiến công quân địch trên chiến trường Hữu ngạn Liên khu 3, để phá kế hoạch củng cố thế phòng ngự chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ. Thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của Chiến dịch là: “Diệt sinh lực địch, phá khối ngụy quân; đẩy mạnh chiến tranh du kích; tranh thủ nhân dân”[13]. Thực hiện mục đích đề ra, Chiến dịch Hà Nam Ninh diễn ra từ ngày 28/5 đến ngày 20/6/1951: “… tiêu diệt hơn 20 đại đội địch, đã làm lay động tinh thần ngụy quân, đã phát triển chiến tranh du kích, bảo vệ nhân, bảo vệ mùa mảng”[14].
Bị thất bại nặng nề ở đồng bằng Bắc Bộ, tháng 11/1951, quân Pháp tập trung lực lượng lớn đánh chiếm Hòa Bình nhằm mục đích mở rộng chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc với Liên khu 3. Do tính chất quan trọng của chiến trường Hòa Bình, Pháp cử tướng Salan, Phó tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân.
Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 15/11/1951, Tổng Quân ủy họp. Bộ Tổng Tham mưu đề nghị mở Chiến dịch Hòa Bình vì địch mới đánh ra, chưa kịp củng cố phòng ngự, ngày 18/11/1951, tại Thái Nguyên, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp, nhận định: “Đó là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hòa Bình địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hòa Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước”[15]. Từ nhận định trên, Trung ương Đảng chủ trương mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: tập trung chủ lực ở hướng chính là Hòa Bình và mạnh bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tiến tới phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ[16]. Sau một thời gian chuẩn bị, Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952 và kết thúc thắng lợi.
Trong giai đoạn cuối Chiến dịch Hòa Bình, Bộ Chính trị chủ trương mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Ngày 17/7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm 4 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300km2, dân số 440.000 người. Đến tháng 9/1952, dựa vào so sánh thế, lực giữa ta và địch trên chiến trường, căn cứ đề nghị của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp tại Thái Nguyên, quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Nguyễn Đăng Ninh làm Chủ nhiệm cung cấp[17]. Đến ngày 9/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Thái Nguyên thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức). Người đã động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch.
Bước sang năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng tình hình thực tiễn, cuối tháng 9/1953, tại khu núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953 - 1953. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy trình bày hai phương án tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị. Sau khi nghe trình bày phương án tác chiến, khẳng định sự đúng đắn của phương hướng chiến lược mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư đã đề ra, Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1943 - 1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sở hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng chúng có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ[18]. Trước khi bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”[19].
Thực hiện kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 15/11/1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, mở cuộc tiến công giải phóng Lai Châu. Phát hiện sự di chuyển của chủ lực ta lên hướng Tây Bắc, ngày 20/11/1953, Navarre vội vã mở cuộc hành binh Casto, đổ 6 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược quan trọng để giữ vững Lai Châu và bảo vệ vùng Thượng Lào.
Đến ngày 3/12/1953, Navarre quyết định bỏ Lai Châu, co cụm lực lượng về Điện Biên Phủ, đồng thời gấp rút tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, gọi là “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc”. Đến ngày 15/12/1953, quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên đến 12 tiểu đoàn. Pháp hy vọng Điện Biên Phủ vừa là một cái chốt, vừa là một cái bẫy sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương.
Khi Navarre chấp nhận giao chiến với Việt Minh ở Điện Biên Phủ và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào thì phương án tiến công Điện Biên Phủ của ta cũng cơ bản được dự thảo xong. Đầu tháng 1/1954, Bộ Chính trị họp tại bản Tỉn Keo, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên nghe Tổng Quân ủy báo cáo và chính thức hạ quyết tâm: “Tập trung đại bộ phận chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương này”[20]. Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã cử Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm cung cấp[21].
3
Bộ Chính trị Trung ương Đảng tại Tỉnh Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa Thái Nguyên quyết định Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954
và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Quyết định của Bộ Chính trị về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ là đúng đắn, kịp thời, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Đảng trong những thời điểm quyết định của lịch sử dân tộc. Một lần nữa, Thái Nguyên vinh dự là nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo cơ sở để quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 Năm tháng trôi qua, nhưng những chủ trương, quyết sách của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là dấu ấn đậm nét trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Góp phần vào những năm tháng hào hùng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên tự hào đã đem hết sức lực, trí tuệ của mình góp phần xây dựng, bảo vệ ATK, bảo vệ  Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương; qua đó, tô thắm thêm lịch sử vẻ vang của mảnh đất, con người Thái Nguyên; tạo cơ sở, nền tảng và động lực để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành trung tâm của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. /.
PGS.TS Nguyễn Danh Tiên
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
 
[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 10/1947. Ký tên X.Y.Z. Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948, xuất bản lần thứ 7 năm 1959.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.556.
[4] Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.101.
[5] Bản kế hoạch này sau đó được Chính phủ Pháp thông qua.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.326.
[7] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t. 4 (1946 - 1950), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.129.
[8] Còn gọi là Chiến dịch Trung Du, diễn ra từ ngày 25/12/1950 đến ngày 18/1/1951.
[9] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.300.
[10] Ngày 30/1/1951, Đảng ủy Chiến dịch được thành lập gồm Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Trần Hữu Dực. Đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch.
[11] Chiến dịch Đường 18 diễn ra từ ngày 23/3 đến ngày 7/4/1951.
[12] Những chiến dịch lớn của ta ở Bắc Bộ, Hồ sơ 412, phần A, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.
[13] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.339.
[14] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.68.
[15] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, tr.365.
[16] Đồng thời, Bộ Chính trị quyết định tổ chức Bộ chỉ huy chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị, Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng và thành lập Đảng ủy Chiến dịch do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách Bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Phó Bí thư.
[17] Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14/10 đến ngày 10/12/1952.
[18] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, in lần thứ 6, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, tr.67.
[19] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân, Hà Nội, 2000, tr.29.
[20] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd, tr.491.
[21] Ngày 5/1/1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4056

Thống kê website

  • Đang truy cập127
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,629
  • Tổng lượt truy cập18,335,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây