Lực lượng Công an nhân dân góp phần bảo vệ vững chắc An toàn khu Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ sáu - 07/10/2022 22:10   Đã xem: 268   Phản hồi: 0

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ATK Trung ương, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng.

1. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân Việt Nam đã bị thực dân Pháp khước từ với dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Được đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, từng bước mở rộng chiến tranh. Để chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược, Việt Bắc tiếp tục được Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ địa, nơi đặt An toàn khu (ATK) - cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến. “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”[1]. Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám, Việt Bắc trở thành nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành từ năm 1947 đến năm 1954. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ATK là nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Biết rõ vùng ATK Trung ương là trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến, nơi tập trung nhiều cơ quan, kho tàng, công xưởng - nguồn nhân lực, tài lực của cuộc kháng chiến; phá hoại được vùng ATK là trực tiếp đánh vào cơ quan đầu não, trực tiếp làm suy yếu cuộc kháng chiến nên thực dân Pháp vừa ra sức càn quét, bình định, vừa ráo riết phá hoại, gây rối trật tự, trị an vùng căn cứ địa. Âm mưu của thực dân Pháp là chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động gây bạo loạn, phá hoại các cơ sở kinh tế, quốc phòng, phá hoại việc thực hiện các chủ trương, chính sách kháng chiến… Bằng nhiều thủ đoạn, thực dân Pháp nắm những đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, lôi kéo, tập hợp tàn dư đảng phái phản động cũ, bắt mối với phản động trong giai cấp địa chủ, dân tộc ít người, khống chế, sử dụng số người có quan hệ giữa hai vùng, mua chuộc, lôi kéo cán bộ đầu hàng, đầu thú… sử dụng số này điều tra tình hình lực lượng vũ trang, kho tàng, công xưởng, gây cơ sở nội gián, lấy cắp tài liệu…, gieo rắc tâm lý hoài nghi đối với công cuộc kháng chiến, tổ chức bạo loạn hoặc làm nội ứng cho địch. Từ năm 1951, thực dân Pháp còn tổ chức biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) đi sâu vào vùng căn cứ địa, gây phỉ, ám sát cán bộ, phá hoại cơ quan, kho tàng, giao thông vận chuyển.
1
Bác Hồ và các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc sau nhà lán ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, năm 1947
Tháng 4/1947, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai của Đảng nhấn mạnh: “Muốn cho căn cứ được vững chắc phải tăng gia việc vận động quần chúng, đào tạo cán bộ địa phương, tổ chức việc tiễu phỉ trừ gian. Ở các căn cứ địa sát mặt trận phải tổ chức ngay những “công tác đội”, võ trang các “đội danh dự trừ gian” và chuẩn bị tổ chức các “tiểu tổ bí mật” như trước khi khởi nghĩa Tháng Tám”[2]. Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp nêu rõ chủ trương: “củng cố các căn cứ địa về mọi mặt… quân sự hóa cơ quan và bộ máy kháng chiến”[3]. Tại Hội nghị cán bộ lần thứ VI, họp từ ngày 14 - 18/1/1949, Đảng chỉ rõ các hình thức, biện pháp đấu tranh cụ thể trong công tác đấu tranh bảo vệ vùng căn cứ địa cách mạng. Đảng xác định: “Địch có cả một kế hoạch câu kết với bọn Quốc dân đảng cũ, bọn bất mãn, bọn hủ bại nhất trong phong kiến, bọn cố đạo phản động, cựu binh sĩ và lưu manh, v.v… để gây cơ sở gián điệp trong vùng tự do, để chui vào nội bộ của các tổ chức kháng chiến”; “Việc trừ gian buộc chúng ta phải chấn chỉnh công an, huấn luyện cho công an, đào tạo thanh tra công an, thành lập Hiến binh và củng cố tổ chức tình báo trong bộ đội. Vấn đề bảo vệ các cơ quan đầu não của kháng chiến phải được đặt ra một cách cụ thể. Việc tổ chức và kiểm soát các căn cứ địa, các chợ, các phố, các vùng khả nghi, cần được gấp rút tiến hành”[4]. Đặc biệt, Nghị quyết của Đảng về chuyển mạnh sang tổng phản công tại Hội nghị toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 21/1 đến ngày 3/2/1950) đã nhấn mạnh “công tác xây dựng và củng cố các căn cứ địa, đặc biệt là căn cứ địa Việt Bắc”[5] là một trong các nhiệm vụ chiến lược quan trọng.
Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Bảo vệ căn cứ địa Trung ương trực thuộc Chính phủ thay cho Ban Căn cứ địa Việt Bắc được thành lập trước đó. Ban Bảo vệ căn cứ địa có nhiệm vụ giúp Trung ương tổ chức, hướng dẫn công tác bảo vệ cơ quan, đơn vị, bảo vệ các hoạt động nơi ăn, chốn ở, cơ quan làm việc của lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, đại diện Nha Công an là Ủy viên Ban Bảo vệ căn cứ địa. Tháng 2/1951, Hội nghị Ban Bảo vệ căn cứ địa Trung ương lần thứ 2 đã thống nhất các lực lượng Quân sự, Công an, đẩy mạnh công tác phòng gian, bảo mật, quy định vị trí đóng quân, nội quy đi lại, sinh hoạt của các cơ quan. Hội nghị chia căn cứ địa thành khu A và B, trong đó Khu A gồm các huyện của Tuyên Quang, Đoan Hùng (Phú Thọ); Khu B gồm Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ban Bảo vệ căn cứ địa đã định ra nội quy bảo vệ gồm 27 điều được quán triệt trong mọi ngành, mọi cấp và quần chúng trong khu vực ATK. Nội quy quy định rõ việc phòng gian, bảo vệ căn cứ địa, quy định xếp đặt chỗ ở của các cơ quan trong căn cứ địa; quy định về việc giữ bí mật cơ quan, về giao thông liên lạc trong căn cứ địa. Tiếp đó, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công an, tăng thêm sức mạnh chiến đấu của công cụ chuyên chính, ngày 23/11/1952, Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 26-QN/TW Về tổ chức và nhiệm vụ của công an nhân dân Việt Nam. Theo quyết nghị, công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ lực lượng vũ trang, quản lý trại giam được Đảng chính thức giao cho ngành Công an phụ trách. 
2. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm (1950), lần thứ sáu (1951), lực lượng công an nhân dân đã có những nhận định cơ bản, đề ra chủ trương, biện pháp, hình thức đấu tranh thích hợp như: phong trào “ba không” (không nghe, không biết, không thấy), phong trào “phòng gian bảo mật”, quản lý ra vào vùng căn cứ địa, xác định cần phải đẩy mạnh công tác phản gián, điệp báo để đấu tranh có hiệu quả với cơ quan gián điệp của địch, nắm chắc hoạt động của số việt gian nguy hiểm... Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ bảy (1952) nêu rõ phạm vi bảo vệ cơ quan là “bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, các cán bộ phụ trách, các nhà chuyên môn và các ngành quan trọng”[6], phương châm công tác bảo vệ cơ quan là “cán bộ phụ trách, cơ quan chịu trách nhiệm, Đảng lãnh đạo kết hợp với sự hướng dẫn của công an”[7]. Sau Hội nghị, lực lượng công an nhân dân đã triển khai những biện pháp từ quản lý hành chính công khai như cấp giấy thông hành quản lý việc đi lại, thành lập các trạm kiểm soát ở các trục đường chính, những khu vực trọng yếu, lập căn cước lý lịch… đến công tác xây dựng cơ sở nội tuyến, trinh sát bí mật; công tác bảo vệ ATK Trung ương đã dựa vào quần chúng, thực hiện đường lối quần chúng của Đảng, dựa vào sự tham gia của các ngành, các cơ quan, đoàn thể… Từ việc phân công nhiệm vụ bảo vệ ATK trong ngành còn rời rạc, thiếu hợp đồng chiến đấu trước đây, đến thời điểm này, lực lượng công an nhân dân đã thống nhất chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp giữa các biện pháp, giữa các lực lượng, kết hợp công tác giữa vùng hậu phương với vùng căn cứ địa.
2
Ông Mông Đức Ngô, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá, Thái Nguyên - Người lính từng giữ trọng trách bảo vệ cho Bác Hồ
suốt những năm sống và làm việc ở ATK Định Hóa
Nhận thức rõ vấn đề thâm độc và nguy hại nhất cho trật tự, an ninh vùng ATK Trung ương là hoạt động của mật thám, gián điệp và phản động, Nha Công an xác định công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan Đảng, Nhà nước tại ATK có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt; không những bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo cuộc kháng chiến mà còn có tác dụng động viên rất lớn tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ toàn diện căn cứ cách mạng. Một hệ thống trạm đồn kiểm soát đã được bố trí xung quanh vị trí làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến để ngăn chặn những người không có nhiệm vụ đi lại tự do vào khu vực ATK; sàng lọc, phát hiện do thám, gián điệp lén lút xâm nhập vào cơ quan đầu não kháng chiến để thu thập tin tức tình báo. Nha Công an còn kết hợp với bộ phận bảo vệ cơ quan phát động phong trào “bảo mật phòng gian”, khẩu hiệu “3 không”, giữ gìn bí mật, xây dựng nội quy bảo vệ, nắm các mối quan hệ của cán bộ làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp để đề xuất với lãnh đạo và cấp uỷ điều chuyển những người có quan hệ phức tạp ra khỏi các bộ phận thiết yếu, cơ mật. Cán bộ công an được phân công nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến bám sát các đơn vị phổ biến cách thức phòng chống do thám, gián điệp địch. Tại các lán trại, cán bộ công an giám sát việc thực hiện công tác phòng không như đun nấu không khói, cách phơi quần áo, ngụy trang che phòng nơi ở tránh máy bay địch bắn phá.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ ATK, cuối năm 1949, Nha Công an quyết định thành lập một đại đội vũ trang với tên gọi là Đại đội Độc lập (hay còn gọi là Đại đội Hoàng Hữu Nam, Đại đội 123) thực hiện nhiệm vụ phối hợp với đơn vị Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ Việt Nam bảo vệ khu vực trú đóng của cơ quan Trung ương, Chính phủ. Đại đội đã bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ ngả đường vào ATK nhằm ngăn chặn, phát hiện gián điệp, việt gian tìm cách thu thập tin tức, phá hoại, ám hại; ngăn chặn người không có nhiệm vụ vào ATK; xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng; tuyên truyền công tác giữ bí mật trong nhân dân để bảo vệ bí mật, an toàn các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan đứng trong ATK.
Cùng với đó, để bảo vệ tuyệt đối an toàn nơi ở cũng như hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương đã tổ chức đơn vị vũ trang chuyên trách làm nhiệm vụ vũ trang trực tiếp bảo vệ. Tháng 5/1950, Tiểu đội AD được thành lập, chuyên trách bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng. Đến tháng 7/1950, thành lập Tiểu đội AT, làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Trường Chinh và Kho bạc Nhà nước tại Việt Bắc. Đây là các đơn vị tiền thân của Trung đoàn 600 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951), bộ phận bảo vệ ATK của Nha Công an được huy động làm công tác bảo vệ. Đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an, đại biểu chính thức dự đại hội được Trung ương giao phụ trách công tác này. Một số đồng chí trong Tiểu đội AD và AT được điều động chuẩn bị cho công tác bảo vệ Đại hội. Lực lượng công an nhân dân đã tiến hành điều tra nắm tình hình; kịp thời điều chuyển các đối tượng nghi vấn chính trị, hình sự đi nơi khác để làm trong sạch địa bàn; làm cho nhân dân vùng căn cứ địa nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an toàn trước và trong Đại hội.
Trên các tuyến đường ra vào khu ATK Trung ương, lực lượng công an nhân dân phối hợp đặt các trạm gác vừa làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện qua lại, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch; đồng thời tiến hành kiểm tra hành chính ở ven các trục đường giao thông để phát hiện kẻ gian, người lạ mặt; quản lý chặt chẽ những người làm nghề tự do, quán nước, nhà trọ nằm hai bên đường giao thông. Tại các cơ quan, kho tàng, công an phối hợp với quân đội tổ chức kiểm tra, thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người có lý lịch trong sạch làm công tác quản lý, bảo vệ. Các đồn, trạm công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai bảo vệ vòng ngoài, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực ATK Trung ương, kịp thời phát hiện hoạt động phá hoại và phòng chống cháy nổ. Nha Công an còn cử trinh sát đến các đơn vị quân đội, kho vũ khí, xưởng quân giới để phối hợp bảo vệ, phòng chống các hoạt động thăm dò tin tức của địch.
Bên cạnh đó, lực lượng trật tự xã được chú trọng xây dựng làm nòng cốt cho công tác bảo vệ, góp phần vô hiệu hoá mọi âm mưu và hoạt động tình báo, gián điệp, chỉ điểm phá hoại của địch. Hệ thống tổ chức trật tự xã (từ năm 1948 là công an xã) chủ yếu được xây dựng quanh khu vực cửa ngõ ATK và những nơi có các cơ quan, xí nghiệp, quân đội đóng. Nhiều trật tự xã đi sâu vận động nhân dân thực hiện phong trào “phòng gian bảo mật”, khẩu hiệu “3 không”. Phong trào được tuyên truyền sâu rộng và trở thành ý thức thường trực không những đối với nhân viên cơ quan mà còn đối với tất cả người dân trong vùng. Lực lượng Công an làm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn quần chúng tham gia, giám sát, phát hiện người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn. Các cơ sở quần chúng này thực sự là những trạm gác kín đáo, trực tiếp bảo vệ khu vực và những đầu mối giao thông quan trọng, tạo thành mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ kháng chiến.
Để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn, cán bộ công an bám sát địa bàn giáo dục cảnh giác cho quần chúng, thực hiện chế độ kỷ luật, bảo vệ bí mật việc điều động dân công, tổ chức vận chuyển tiếp tế, địa điểm hành quân, trú quân, đề cao công tác phòng gián điệp, tình báo địch, ngụy trang che giấu phương tiện vũ khí và đường dây thông tin liên lạc đề phòng địch đột kích, ném bom bắn phá.
Khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc, đội công an xung phong các tỉnh thuộc vùng căn cứ địa cùng lực lượng quân sự đã trực tiếp chiến đấu chặn bước tiến của địch. Tại các xã xung quanh căn cứ, trinh sát chính trị vận động đồng bào nổi dậy phá tề, phá chính quyền cơ sở địch, tổ chức trừ gian, phá giao thông, làm cho giặc Pháp phải dàn mỏng lực lượng để đối phó; đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang trấn áp mạnh phản động lợi dụng tôn giáo và dân tộc; quét vét tay sai chỉ điểm, tội phạm hình sự. Giải quyết tình hình phức tạp về trật tự, trị an đến đâu, lực lượng Công an vận động củng cố ngay phong trào “bảo mật phòng gian”, ngăn chặn các đối tượng phản động hoạt động trở lại. Hoạt động vũ trang của lực lượng Công an đã góp phần cùng bộ đội chủ lực giam chân quân Pháp tại chỗ, làm giảm áp lực cho chiến trường Việt Bắc.
Trên cơ sở phát động sâu rộng phong trào “phòng gian bảo mật” trong nhân dân, lực lượng trinh sát của Nha Công an đã tích cực phối hợp với quần chúng nhân dân phát hiện âm mưu, hoạt động của tình báo gián điệp Pháp để có kế hoạch ngăn chặn trấn áp, bảo vệ ATK Trung ương. Được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an đã diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống điều tra, phá hoại kho tàng, cầu cống, bến phà, phương tiện giao thông vận chuyển; khám phá kịp thời nhiều vụ gián điệp ẩn nấp chỉ điểm cho máy bay địch ném bom bắn phá. Đối với những phần tử phản động, lực lượng Công an tiến hành phân hoá, kiên quyết trừng trị số đối tượng ngoan cố cầm đầu các toán phỉ ở biên giới; phối hợp cùng bộ đội, dân quân tổ chức kiểm tra, phát hiện những đối tượng làm tay sai cho địch. Đội danh dự trừ gian, biệt động đội của công an đã trấn áp, trừ diệt hàng trăm tay sai từ cấp thôn, xã, huyện, làm cho một số đối tượng không tham gia tổ chức chính trị phản động của Pháp. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng công an nhân dân đã khám phá, bóc gỡ nhiều cơ sở gián điệp cài lại của địch, phá tan các tổ chức phản động, chặn đứng các hoạt động phá hoại của phỉ, giữ vững trật tự, trị an vùng ATK. Điển hình từ tháng 4/1953 đến tháng 7/1954, lực lượng công an nhân dân đã khống chế sử dụng toán gián điệp Pháp ở Thái Nguyên do Quan ba Bôca chỉ huy. Thông qua liên lạc điện đài của nhóm gián điệp này, ta đã thu thập được nhiều tin tức về tình hình hoạt động của địch, phục cho việc bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ.
3. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ATK Trung ương, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng. Có thể khẳng định, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng là một nhân tố quyết định thắng lợi mọi mặt công tác và chiến đấu lực lượng công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc tổ chức, xây dựng và bảo vệ ATK Trung ương đã để lại nhiều kinh nghiệm lịch sử quý báu mà lực lượng Công an cần kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là kinh nghiệm về quán triệt quan điểm bảo đảm an ninh, trật tự của Đảng, chủ động đề xuất, tham mưu, triển khai thực hiệu quả công tác bảo vệ cơ quan Đảng, Chính phủ; xây dựng lực lượng Công an xã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; Đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ; nêu cao tinh thần cảnh giác, coi trọng yếu tố bí mật, bất ngờ, linh hoạt xử lý tình huống… Đặc biệt là kinh nghiệm về phát huy sức mạnh của nhân dân trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu đó vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay, lực lượng Công an nhân dân đã và đang tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm an ninh trật tự, trọng tâm là Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Nhìn lại hoạt động và những đóng góp để bảo vệ vững chắc ATK Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng công an nhân dân luôn tự hào và tin tưởng rằng sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự mà lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt luôn có sự đồng lòng, chung sức của nhân dân các dân tộc vùng căn cứ Việt Bắc - ATK Trung ương để tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Thứ trưởng Bộ Công an)
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.239.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.184.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.320.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.10, tr.55, 56.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 11, tr.202.
[6] Bộ Công an, Văn phòng Bộ: Hệ thống hóa văn bản các Hội nghị Công an toàn quốc (từ Hội nghị lần thứ nhất đến lần thứ chín (1945-1954), Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2001, tr. 435.
[7] Bộ Công an, Văn phòng Bộ: Hệ thống hóa văn bản các Hội nghị Công an toàn quốc (từ Hội nghị lần thứ nhất đến lần thứ chín (1945-1954), Sđd, tr.435.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập121
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,308
  • Tổng lượt truy cập18,335,650
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây