Tuyên Quang: Phát huy tiềm năng, thế mạnh và đẩy mạnh liên kết với Thái Nguyên, các tỉnh vùng Việt Bắc vì mục tiêu phát triển bền vững

Thứ tư - 28/09/2022 21:45   Đã xem: 254   Phản hồi: 0

Tuyên Quang là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Với 22 dân tộc cùng chung sống, những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc đã kết tinh trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phong phú. Xác định việc giữ gìn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Tuyên Quang đã luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần và xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện.

Từ trong lao động, chiến đấu, với tình yêu quê hương, đất nước, đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn phong phú, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã sáng tạo, gìn giữ được một kho tàng văn hóa giàu bản sắc. Những đình, đền, chùa, miếu, thành quách, chuông bia, thần phả, ngọc phả; những câu chuyện cổ tích, tục ngữ, ca dao giải thích nguồn gốc dân tộc, phản ánh cuộc sống hằng ngày của người dân; những làn điệu Then, Gọi Sli, Lượn, Sình Ca...; các lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa, Cấp Sắc; những trò chơi dân gian tung còn, đẩy gậy, đánh yến...; những đường nét đẹp, tinh xảo, duyên dáng của hoa văn thêu trên những tấm thổ cẩm, vải, hàng mây, tre đan và đồ trang sức đã thể hiện sinh động, đặc sắc đời sống tinh thần của các dân tộc Tuyên Quang.
Nhiều di sản văn hóa của các dân tộc nơi đây đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: lễ hội Lồng Tông, hát Then của dân tộc Tày; lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; lễ hội Đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ...; đặc biệt “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó, bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích được xếp hạng quốc gia như: thành Nhà Mạc, đền Hạ... Đặc biệt, với trí tuệ sáng tạo và đôi tay khéo léo, con người xứ Tuyên làm nên một lễ hội đặc sắc là Lễ hội Thành Tuyên - điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương xứ Tuyên đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo lớn nhất Việt Nam, đang xây dựng thương hiệu Lễ hội quốc tế.
image 20221029084534 1
Đ/c Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học:
“Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang
của cuộc kháng chiến, kiến quốc”
Ngoài ra, thiên nhiên cũng ưu đãi cho Tuyên Quang nhiều tài nguyên quý giá: Tỷ lệ che phủ rừng duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ cao nhất cả nước, trong đó có những rừng nguyên sinh, nhiều động, thực vật quý hiếm như Tát Kẻ - Bản Bung, Cham Chu; địa hình được kiến tạo đặc biệt đã tạo nên núi non hùng vĩ và những cảnh đẹp ngoạn mục: Thác Pác Ban, Động Tiên, hang Bó Ngoặng, núi Dùm, núi Là, núi Nghiêm... Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, nơi giao duyên giữa tạo hoá và con người với những thắng cảnh gắn liền huyền thoại và sự tích: sự tích Chín mươi chín ngọn núi Thượng Lâm, sự tích đèo Ái Âu, sự tích núi Pác Tạ và hàng trăm hang động nằm dưới các cánh rừng già đã được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Tuyên Quang còn sở hữu suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 68 độ như một viên ngọc quý giấu mình trong phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, từ nhiều năm nay đã nổi danh về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng...
Bên cạnh đó, với gần 500 di tích lịch sử, Tuyên Quang đã trở thành địa danh thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi trong “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Đến nay, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa và Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Trong đó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch đến năm 2025. Hiện nay, tỉnh đang triển khai các bước lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình.
Từ những tiềm năng to lớn đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định “Phát huy giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống, các lễ hội. Tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối tua du lịch...”, khai thác tiềm năng để phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục nhấn mạnh “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 16/6/2021 Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng và ban hành các đề án, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng nhằm định vị thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch quốc gia như: Khu du lịch quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu quốc tế. Theo đó, tỉnh đã ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào phát triển du lịch; thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch như: Tập đoàn Mường Thanh đầu tư khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang, Tập đoàn Vingroup đầu tư trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà phố, hiện đang thi công xây dựng khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Tập đoàn SunGroup đang nghiên cứu đầu tư khu nghỉ dưỡng, thương mại quy mô 800 ha tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn… Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đã thu hút trên 8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, nằm trong vùng căn cứ địa Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương ở, làm việc và lãnh đạo kháng chiến; có nhiều sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội; có truyền thống giao lưu, gắn kết tình cảm, đặc biệt là có tiềm năng thiên nhiên phong phú với những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và nhiều điểm di tích lịch sử, thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan hùng vĩ, các tỉnh thuộc vùng Việt Bắc xưa từ lâu đã được du khách đánh giá là điểm đến thú vị, với những địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Na Hang (Tuyên Quang). Bên cạnh đó, các tỉnh còn thu hút du khách bởi các di tích lịch sử được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt như: Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Tuyên Quang và Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Việt Bắc còn hấp dẫn du khách bằng bản sắc độc đáo của các dân tộc thiểu số. Đây được coi là một trong những thế mạnh để các tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến với Việt Bắc nói chung, Tuyên Quang nói riêng, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Lô Lô cùng rất nhiều dân tộc khác, được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên vùng cao... Các dân tộc Việt Bắc đều giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng có của mình, tạo nên bản sắc độc đáo có sức thu hút đối với du khách.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, liên kết phát triển vùng là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Hiện nay, việc chủ động hợp tác, liên kết là một xu thế tất yếu của sự phát triển, trong đó, liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo nhằm thu hút du khách đang được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định “tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.
Với những nét đặc trưng, điểm tương đồng và những tiềm năng phong phú về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch biên giới, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những khu, điểm du lịch nổi tiếng của 06 tỉnh Việt Bắc, thì việc liên kết vùng, liên vùng trong việc hợp tác xây dựng, phát triển các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, kết nối xây dựng sản phẩm du lịch vùng, liên vùng; liên kết trong công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá xây dựng thương hiệu phát triển du lịch vùng, sản phẩm đặc trưng du lịch của từng địa phương đã và đang là đòi hỏi tất yếu cho sự phát triển không chỉ của mỗi địa phương mà còn nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của cả vùng. Nếu không có liên kết phát triển du lịch, nếu các địa phương phát triển du lịch theo hướng tự phát sẽ phá vỡ tiềm năng, không tạo ra được chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh với các vùng, khu vực, các nước khác. Vì vậy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả nhằm tối ưu hóa các nguồn lực phát triển du lịch của các địa phương, tạo nên sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng, miền.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ xác định một trong những trọng tâm là “phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”... Với vị trí địa lý, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, rừng, sông, lòng hồ và bản sắc văn hóa dân tộc… các tỉnh vùng Việt Bắc cần liên kết, khai thác, phát huy các thế mạnh đó để phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa. Để có mối liên kết bền vững trong hoạt động liên kết phát triển du lịch, mỗi địa phương cần coi trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội; tập trung kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng, kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực và kết nối nhưng không hòa lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về phát triển du lịch, Tuyên Quang lại có mặt hạn chế về địa hình, là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, không cảng biển, chưa có đường hàng không và đường sắt. Vì vậy, Tuyên Quang cần phải tìm cho mình một hướng đi thích hợp, vừa phát huy được thế mạnh, vừa khắc phục được những khó khăn của tỉnh.
Trong nhiều năm qua, hệ thống đường bộ kết nối giữa Tuyên Quang với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Từ Tuyên Quang về Hà Nội, lên Hà Giang, sang Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và các tỉnh trong khu vực, còn mất nhiều thời gian do chất lượng đường còn hạn chế, chưa khai thác tối đa năng lực vận tải, nhất là vận tải hàng hóa phục vụ sự phát triển. Do đó, Tuyên Quang dẫu có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng chưa thu hút được đầu tư vì “rào cản” về đường giao thông còn nhiều bất cập.
Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là yếu tố cốt lõi, đặt lên hàng đầu, tỉnh đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu là các tuyến giao thông liên vùng, các công trình có tính lan tỏa:
Một là, dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông. Khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian, khoảng cách kết nối giữa tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải của cả nước.
Hai là, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã nằm trong Quy hoạch đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc sớm đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là rất cần thiết, tạo động lực để hai tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, cùng các tỉnh trong khu vực phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu khởi công xây dựng vào năm 2022 với tổng mức đầu tư trên 6.200 tỷ đồng, hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng vào đầu quý I năm 2025.
Ba là, nhằm đẩy mạnh liên kết, kết nối giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, giúp phát huy hiệu quả của các tuyến đường cao tốc trong khu vực như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai và Tuyên Quang - Phú Thọ, tuyến đường liên vùng thuộc trục ngang Phổ Yên (Thái Nguyên) - Tuyên Quang - Yên Bái đã được tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Thái Nguyên thống nhất đưa vào Quy hoạch tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển lâu dài, ba tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho quy hoạch là đường cao tốc, kết nối các khu du lịch của Thái Nguyên với Tân Trào (Tuyên Quang) và hồ Thác Bà (Yên Bái). Ngoài ra, tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái kết nối ngang đã có trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bốn là, hai tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn đã đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối hồ Ba Bể (Bắc Kạn) với lòng hồ sinh thái Na Hang (Tuyên Quang), với tổng số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Nhằm phát huy hết tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, hồ sinh thái Na Hang, hai tỉnh rất quan tâm đến các hoạt động kết nối du lịch với các tỉnh liền kề, hình thành các tuor du lịch ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) - Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) - thác Bản Giốc (Cao Bằng)... Dự án đường liên kết vùng kết nối hạ tầng du lịch Ba Bể - Na Hang được triển khai sẽ tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang. Tuyến đường được hoàn thiện sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch từ Na Hang sang hồ Ba Bể và ngược lại, góp phần vào sự phát triển chung của cả vùng. Cùng với đó, hai tỉnh tăng cường phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực chung của các tỉnh trong vùng, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết, kết nối để cùng phát triển. Trong đó, việc kết nối hạ tầng giao thông được đặt lên hàng đầu nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu kinh tế, giao thương hàng hóa. Ngoài ra, những thế mạnh trong phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng cũng được đẩy mạnh hợp tác, nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng và khẳng định thương hiệu, thu hút khách du lịch, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tiềm năng du lịch của các tỉnh vùng Việt Bắc là rất lớn song khó khăn phía trước còn rất nhiều. Do vậy, để biến tiềm năng thành hiện thực, chủ trương thành hành động cụ thể cần đẩy mạnh hơn nữa sự chung tay, kết nối, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để Việt Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn, địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực. Liên kết vùng trong phát triển du lịch sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để Tuyên Quang với Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc tăng cường hợp tác, liên kết, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương về phát triển kinh tế vùng, “phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra./.
    Tỉnh ủy Tuyên Quang
 
 
[1] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
[2] Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập124
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,355
  • Tổng lượt truy cập18,335,697
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây