Hậu phương Thái Nguyên góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ ba - 11/10/2022 22:24   Đã xem: 356   Phản hồi: 0

1. Thái Nguyên - vùng đất cách mạng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ở vị trí tiếp nối giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với khu vực miền núi phía Bắc, từ đây có thể cơ động xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống vùng duyên hải Đông Bắc Bộ, nên Thái Nguyên luôn là “phên dậu” phía Bắc kinh thành Thăng Long. Từ thế kỷ XII, người con ưu tú vùng sơn cước Phú Lương là Dương Tự Minh đã thu phục nhân tâm, góp công lớn trong sự nghiệp an dân, phát triển kinh tế - văn hoá, ổn định và giữ vững cả một vùng biên cương rộng lớn.
Thế kỷ XV, thế lực xâm lược phương Bắc một lần nữa đem quân sang xâm chiếm Đại Việt. Nhân dân Thái Nguyên cùng với tướng quân Lưu Nhân Chú hướng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo vùng lên chống quân Minh xâm lược. Với tinh thần tận trung với nước và tài thao lược, Lưu Nhân Chú đã lập lên nhiều chiến công, đặc biệt là góp công lớn làm nên chiến thắng Chi Lăng (1427) vang dội, mở ra thời kì thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
1
Đền thờ Lưu Nhân Chú trong Khu di tích Núi Văn - Núi Võ, xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp, Thái Nguyên là địa phương có phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo nổ ra vào đêm 30/8/1917. Nghĩa quân đã đánh chiếm được hầu hết vị trí quan trọng thuộc tỉnh lỵ Thái Nguyên, tuyên bố đặt quốc hiệu là “Đại Hùng”, lấy quốc kì là “cờ Ngũ Tinh”, với khẩu hiệu “Nam binh phục quốc”. Quốc kì, quốc hiệu tồn tại trong thời gian không dài, nhưng đã làm chấn động chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và dư luận ở Pháp, khích lệ tinh thần đấu tranh chống Pháp, giải phóng dân tộc[1].
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Viêt Nam ra đời với đường lối cách mạng đúng đắn, đã tạo ra bước ngoặt cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ việc vận động thành lập cơ sở Đảng đầu tiên tại Thái Nguyên (năm 1936) đến việc vận động xây dựng lực lượng cách mạng, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám (năm 1945) là chặng đường gian khổ nhưng vinh quang, vẻ vang. Kết quả đó khẳng định đóng góp quan trọng của Thái Nguyên trong tiến trình lịch sử dân tộc.
2. Tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thái Nguyên
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Nhưng cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập đã phải đối đầu với thù trong, giặc ngoài để bảo vệ nền độc lập non trẻ.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ đêm ngày 19/12/1946, nhân dân ta vừa mới giành được chính quyền, vừa phải kháng chiến, vừa phải kiến quốc, trong khi thời gian hoà bình quá ngắn, chưa đủ để khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh đế quốc và chế độ phong kiến để lại. Trong khi đó, thực dân Pháp, với quân đội nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, tiềm lực tài chính vượt trội. Trong điều kiện so sánh lực lượng quá chênh lệch, phải có thời gian để xây dựng lực lượng, muốn kháng chiến lâu dài, vừa phải bảo toàn lực lượng và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng căn cứ địa vững chắc, tạo chỗ dựa lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Trước khi rời Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) về Hà Nội, bằng sự nhạy cảm về chính trị, Bác Hồ đã dặn các đồng chí trong Đảng: “Bây giờ, ta đã có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lê-nin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Bởi vậy, các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn. Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…” [2]. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác chiều hướng phát triển của tình hình và khẳng định sớm hay muộn thực dân Pháp sẽ quay lại đánh chiếm nước ta một lần nữa. Vì thế đã sớm có sự chuẩn bị xây dựng căn cứ địa cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trng việc sớm chọn vùng rừng núi Việt Bắc, trong đó có Thái Nguyên, để xây dựng căn cứ địa - hậu phương của cuộc kháng chiến. Quyết định một lần nữa về với Việt Bắc đã đáp ứng yêu cầu khách quan, phù hợp với quy luật của cuộc chiến tranh. Căn cứ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp mà Thái Nguyên là trung tâm có đầy đủ những điều kiện để trở thành “hậu phương lâu dài” cho cuộc kháng chiến:
2
Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện vật gốc bút tích đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012
Thứ nhất, căn cứ Việt Bắc gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, trong đó các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên; Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang; Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn là trung tâm của căn cứ địa - An toàn khu (ATK) Trung ương. Đây là vùng rừng núi hiểm trở, có vị thế chiến lược “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân nơi đây có truyền thống cách mạng”[3]. Với rừng rậm bạt ngàn, các dãy núi trùng điệp đã giúp công tác bảo vệ các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, che giấu và phát triển lực lượng cách mạng. Việt Bắc còn có đường giao thông thuận tiện trong nước và thuận lợi liên lạc với quốc tế. Từ Việt Bắc có thể nhanh chóng liên lạc và tranh thủ nhận sự giúp đỡ từ các tỉnh miền xuôi. Các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng với hàng trăm km biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, từ đó có thể trực tiếp liên lạc và nhận sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế.
Với vị thế là trung tâm của căn căn cứ địa Việt Bắc, Thái Nguyên thuận tiện liên lạc với khu vực trung du, đồng bằng và Hà Nội. Từ Thái Nguyên có thể sang Tuyên Quang, Bắc Kạn, lên Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang để qua biên giới. Trên địa bàn Thái Nguyên, có hệ thống sông ngòi, đường mòn tỏa đi các địa phương, rất thuận lợi cho việc di chuyển, phát triển kinh tế, bảo toàn lực lượng. Tóm lại, trong kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên có vị trí chiến lược, là nơi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.
Thứ hai, căn cứ địa phải là nơi có cơ sở cách mạng vững chắc, có được sự ủng hộ của đa số nhân dân, có phong trào quần chúng mạnh mẽ. Đó chính là chỗ dựa, là cơ sở vững chắc nhất để xây dựng địa bàn đứng chân lâu dài của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc vốn có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Việt Bắc, tuy ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau, nhưng đã sớm tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lý do quan trọng để Việt Bắc được chọn làm căn cứ địa là sự ủng hộ của nhân dân đối với cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, do tình hình chiến sự phức tạp, để bảo đảm an toàn chỗ đứng chân các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và nơi ở của Bác Hồ thường xuyên thay đổi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bất kì bao giờ, bất kì ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, làm cho dân mến, dân tin. Sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất[4].
Là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, Thái Nguyên là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người, với nhiều nét khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, nhưng họ đều có chung lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô địch. Chính sức mạnh ấy đã bao lần khắc phục những khó khăn từ thiên nhiên và đánh bại nhiều cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang. Từ khi có Đảng, được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì những truyền thống ấy càng được nhân lên gấp bội. Mùa Thu năm 1945, cách mạng thành công, đã đưa nhân dân Thái Nguyên trở thành người làm chủ quê hương mình. Đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là cơ sở để nhân dân Thái Nguyên gắn bó, trung thành hơn với Đảng, với Bác Hồ, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ thành quả cách mạng.
Thứ ba, địa phương được chọn để xây dựng căn cứ địa phải là nơi có thể tự cung, tư cấp, tự đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu tại chỗ. Thái Nguyên là trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, với rừng rậm bạt ngàn, hệ thống sông suối dày đặc, xen kẽ là đồi núi và thung lũng rất thuận lợi cho việc giữ bí mật và sản xuất tự cấp, tự túc lâu dài trong điều kiện bị bao vây, cô lập. Chính điều kiện tự nhiên đó, cùng với truyền thống cần cù, yêu lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên đã xây dựng được nền kinh tế có khả năng tự cung, tự cấp lâu dài, thực sự trở thành chỗ dựa về vật chất, tinh thần lâu dài cho cuộc kháng chiến.
3. Đóng góp của hậu phương Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam đã khẳng định sự sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng và xây dựng An toàn khu (ATK) trong căn cứ địa. Trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1947 -1954, những hoạt động của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ địa Việt Bắc mà trung tâm là tỉnh Thái Nguyên đã có ảnh hưởng rộng khắp cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Được lựa chọn là trung tâm căn cứ kháng chiến của cả nước là vinh dự đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước. Trách nhiệm to lớn nhất, quan trọng nhất là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Quân đội, các cơ quan, kho tàng, nhà xưởng, vì đây là mục tiêu hàng đầu mà thực dân Pháp và tay sai muốn tìm mọi cách để tiêu diệt, phá hủy nhằm phá hoại cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Do vậy, trong suốt những năm 1947 - 1954, quân Pháp liên tiếp tiến hành các hoạt động chống phá, tấn công vào trung tâm ATK trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên cùng các địa phương trong vùng chiến khu Việt Bắc đã làm tròn trách nhiệm bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não kháng chiến trước các cuộc tấn công, càn quét của kẻ thù.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc) và ở đó cho đến ngày 11/10/1947. Nơi ở và làm việc của Bác là căn nhà sàn hai gian lợp lá dựng trên đồi Khau Tý, rộng khoảng 10 mét vuông, cạnh nhà có hầm tránh máy bay. Từ nơi Bác ở có đường mòn sang huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), xuống huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), lên huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) ra huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) và nhiều đường mòn, lối tắt thuận tiện, kín đáo. Được sự ủng hộ của nhân dân, để bảo đảm bí mật, an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở, làm việc[5].
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 15/10/1947, tại huyện Định Hóa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng cảnh vệ và du kích, tự vệ của tỉnh vừa phải bảo vệ sơ tán, vừa phục vụ chiến đấu và tiến hành đánh du kích, quấy nhiễu địch, buộc chúng phải dàn mỏng quân, tạo kẽ hở tiêu diệt địch.
 Ngày 25/11/1947, thực dân Pháp huy động gần 2.000 quân, có máy yểm trợ mở 3 mũi tấn công vào huyện Định Hóa - nơi chúng biết có Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và quân chủ lực của ta. Quân Pháp đã tiếp cận chỉ cách nơi ở của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ không đến 2 km đường rừng[6]. Lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp với lực lượng bảo vệ căn cứ địa chặn đánh địch, đặc biệt là lực lượng du kích liên tục chiến đấu với quân thù, không để chúng tiến gần nơi Bác và các đồng chí Trung ương ở. Trước sự kháng cự mạnh mẽ của quân và dân Định Hóa, ngày 6/12/1947, Pháp phải rút quân. Qua gần 1 tháng chiến đấu với cuộc hành quân Xanh-tuya, quân và dân Thái Nguyên cùng bộ đội chủ lực đánh 123 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 490 lính Pháp, làm bị thương hơn 100 tên[7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ được bảo vệ an toàn.
3
Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân huyện Đại Từ
Cùng với việc chặn đánh giặc, công tác bảo mật, trừ gian cũng được đặc biệt quan tâm. Trong địa bàn ATK, mọi người dân từ trẻ đến già đều thực hiện “ba không”: Không nói chuyện làm lộ bí mật, không nghe những điều không có liên quan đến mình và không chỉ đường, cảnh giác với người lạ mặt. Công tác phòng gian, giữ bí mật, làm vườn không nhà trống được toàn dân tự giác thực hiện triệt để, coi như biểu hiện của lòng yêu nước, quyết tâm kháng chiến của mọi người. Trong 9 năm (1946 - 1954), quân Pháp đã nhiều lần đánh phá, ném bom vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trung tâm là các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương với mục đích chính là tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp, góp phần củng cố ATK và tích cực chi viện các chiến trường
Những năm đầu, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ở trong tình thế bị bao vây cô lập. Hoàn cảnh đó buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế kháng chiến có khả năng tự cung, tự cấp để bảo đảm kháng chiến lâu dài. Đó là tiền đề để xây dựng, củng cố hậu phương và chi viện mặt trận, từng bước giành thắng lợi.
Thái Nguyên có tiềm năng đất đai dồi dào, cả về đất nông nghiệp, đất công nghiệp, đất rừng; hệ thống sông suối dày đặc, giao thông khá thuận tiện, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và việc hình thành nền kinh tế tự cung, tư cấp, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Để bồi dưỡng sức dân, nhất là giai cấp nông dân, thực hiện chủ trương của Đảng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền tỉnh đã phát động giảm tô, thực hiện tạm cấp số ruộng đất của địa chủ người Pháp và ruộng vắng chủ cho nông dân, tuy vậy vấn đề người cày có ruộng vẫn chưa được giải quyết.
Năm 1952, Trung ương Đảng chỉ đạo thí điểm cải cách ruộng đất tại 2 xã Đồng Bẩm và Dân Chủ, thuộc huyện Đồng Hỷ, từ đó, tư tưởng của quần chúng an tâm, ổn định hơn. Cuối năm 1953, Trung ương Đảng chọn tiếp 6 xã: Hùng Sơn, Bình Thuận, An Mỹ, Trần Phú, Tân Thái, Độc Lập, thuộc huyện Đại Từ để thực hiện thí điểm cải cách ruộng đất.
Sau thắng lợi của cải cách ruộng đất thí điểm, phong trào giảm tô được mở rộng ra 146 xã, cải cách ruộng đất được triển khai ở 60 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 7/1954, Thái Nguyên căn bản hoàn thành giảm tô và cải cách ruộng đất, người nông dân hăng hái tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống và đóng góp cho kháng chiến[8].
Cùng với việc phát động giảm tô, cải cách ruộng đất, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập trung lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Quân và dân Thái Nguyên đã sớm khắc phục hậu quả nạn đói kéo dài, đẩy lùi “giặc đói”. Ngoài ra, nhân dân Thái Nguyên còn dành hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng chục vạn cây tre, gỗ, nứa… để làm nơi ở cho đồng bào tản cư và các cơ quan Đảng, Chính phủ đóng trên địa bàn tỉnh[9]. Từ tháng 11/1946 đến tháng 4/1947, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã huy động lực lượng vận chuyển 39.400 tấn máy móc, nguyên liệu của các cơ sở sản xuất vũ khí, hơn 400 tấn muối, hàng triệu mét vải, hàng ngàn bao tải bông, hàng vạn kiện sợi từ miền xuôi lên. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận hơn 63.000 người từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi lên tản cư[10].
Tháng 6/1950, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới. Ngày 15/7/1950, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-TN giao các huyện huy động 277 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương đi phục vụ chiến dịch trong 3 tháng. Kết quả, các huyện đã huy động được 308 cán bộ, chiến sĩ, vượt chỉ tiêu 31 người. Để phục vụ chiến dịch, quân dân Thái Nguyên đã góp hàng vạn ngày công, đào đắp hàng nghìn mét khối đất đá, sửa chữa làm mới hàng chục cầu lớn nhỏ, khai thông tuyến đường 13A (Thái Nguyên - Tuyên Quang) và đường 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn).
Trong những năm 1951 - 1953, Trung ương Đảng chủ trương giữ vững và phát huy thế chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Để phục vụ các chiến dịch, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, năm 1952, Thái Nguyên đã huy động 22.400 dân công đi sửa cầu đường và vận tải hàng hóa phục vụ các chiến dịch. Mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng việc bảo đảm sản xuất, hoàn thành các nhiệm vụ luôn được nhân dân Thái Nguyên hoàn thành tốt.
Tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ngoài việc đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ, bộ đội trên địa bàn Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động hơn 670 tấn gạo, gần 29 tấn thịt, 10 tấn đỗ lạc vừng để cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Tính chung trong kháng chiến chống Pháp, Thái nguyên có 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, gần 18.000 người tòng quân giết giặc, 15.000 dân công hoả tuyến phục vụ kháng chiến, 1.607 người con ưu tú đã hi sinh… Có thể khẳng định với vai trò là trung tâm của ATK trong kháng chiến, quân và dân Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK và cung cấp kịp thời sức người, sức của cho mặt trận[11].
ATK Thái Nguyên - nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp
“Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện”[12]. ATK Thái Nguyên là nơi đứng chân thường xuyên, lâu dài của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… nên rất nhiều quyết định quan trọng đã ra đời tại nơi đây. Khi quân Pháp đổ bộ lên căn cứ địa Việt Bắc nhằm đánh phá căn cứ địa, tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến và bộ đội chủ lực, triệt đường liên lạc quốc tế của ta, ngày 15/10/1947, Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Chỉ thị đã cụ thể hoá phương sách thắng địch trong cuộc tấn công mùa Đông của Pháp[13]. Đây là mốc khởi đầu sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa ta và địch, làm phá sản hoàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Từ đây, thực dân Pháp buộc phải chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh lâu dài.
Từ năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực. Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Đây là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi, ta loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch, khai thông biên giới Việt - Trung, chọc thủng hành lang Đông-Tây, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Revers[14]. Với chiến thắng Biên Giới, con đường liên lạc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  với quốc tế được mở ra từ nhiều hướng, quân đội ta ngày càng trưởng thành, ta giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Tại ATK Định Hoá (Thái Nguyên), ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với mục tiêu là tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Navarre[15], làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi. Như vậy, Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Với những điều kiện thuận lợi, được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cơ quan chỉ đạo kháng chiến, cung cấp tối đa nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Những đóng góp của nhân dân Thái Nguyên cho cuộc kháng chiến là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.
TS. Nguyễn Minh Tuấn - Ths. Lê Thị Quỳnh Liu
(Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên)

 
[1] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên: Thái Nguyên trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, xuất bản năm 1998, tr.11.
[2] https://dangcongsan.vn/thoi-su/ta-lai-ve-tan-trao-607277.html
[3] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc, xuất bản năm 2004, tr.55.
[4] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bac-ho-va-lua-chon-viet-bac-lam-can-cu-dia-khang-phap-1491833509
[5]http://thuvienthainguyen.vn/Chi-tiet-tin/tuyen-truyen-%E2%80%9Cky-niem-75-nam-ngay-bac-ho-ve-atk-dinh-hoa-thai-nguyen-lanh-dao-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan
[6] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc, xuất bản 2004, tr.132.
[7] Hội Sử học Việt Nam-Đại học Khoa học, Đại học Thái nguyên: Kỉ yếu hội thảo: Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947, 2017, tr.22-23.
[8] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái: Bắc Thái lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, 1990, tr.196-199.
[9] Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên: Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, 1998, tr.147-148.
[10] Hội Sử học Việt Nam-Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên:  Kỷ yếu hội thảo: Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947, 2017, tr.54.
[11]https://tuyengiaothainguyen.org.vn/vi/nhip-cau-tuyen-giao/Ly-luan-chinh-tri-va-Lich-su-Dang/an-toan-khu-dinh-hoa-thai-nguyen-voi-chien-thang-dien-bien-phu-nam-1954-27
[12] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc, 2004, tr.11-12.
[13] Hội Sử học Việt Nam-Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên: Kỉ yếu hội thảo: Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, 2017, tr.67-76.
[14]https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/tu-lieu-van-kien/chien-thang-bien-gioi-thu-dong-1950-70-nam-ven-nguyen-gia-tri-lich-su-
[15]https://tuyengiaothainguyen.org.vn/vi/nhip-cau-tuyen-giao/Ly-luan-chinh-tri-va-Lich-su-Dang/an-toan-khu-dinh-hoa-thai-nguyen-voi-chien-thang-dien-bien-phu-nam-1954-27
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập115
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,293
  • Tổng lượt truy cập18,335,635
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây