ATK Thái Nguyên - Tầm nhìn chiến lược và giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ hai - 03/10/2022 22:01   Đã xem: 406   Phản hồi: 0

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Một cuộc cách mạng muốn thắng lợi thì phải giải quyết tốt những vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức các đội quân du kích nông dân và chiến tranh du kích. Căn cứ địa cách mạng là vùng được chọn làm bàn đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng rộng ra các vùng khác; phải có khả năng tạo ra được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lý thuận lợi cho đấu tranh cách mạng. Đây chính là tư tưởng quan trọng và đúng đắn của Người về xây dựng căn cứ địa, bao gồm việc chọn chỗ đứng chân, dự báo tình thế cách mạng trực tiếp và tập trung xây dựng căn cứ địa, trung tâm của căn cứ địa. Do vậy, ngay sau khi trở về nước chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người đã chọn Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn để xây dựng An toàn khu (ATK) kháng chiến. Trong đó, ATK Thái Nguyên, “Thủ đô kháng chiến”, nơi đứng chân các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

1. Quyết định thành lập ATK Thái Nguyên - tầm nhìn chiến lược, góp phần bảo đảm cho sự thành công của cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đội du kích trong lúc hoạt động đánh quân thù cần có một vài nơi đứng chân làm cơ sở. Tại nơi ấy, đội du kích tích trữ lương thực, thuốc đạn, lâu lâu về đó nghỉ ngơi, luyện tập. Nơi ấy phải có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ. Đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở nhỏ đầu tiên ấy có thể trở nên căn cứ địa vững vàng, nhất là sau khi đội du kích đánh đuổi được quân giặc và thành lập chính quyền cách mạng trong địa phương”. Do vậy, Người đã chọn Việt Bắc - một vùng rừng núi hiểm trở, có lợi thế vị trí địa lý, nhân dân có truyền thống yêu nước, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Chợ Đồn làm căn cứ địa cách mạng, an toàn khu kháng chiến (ATK) Trung ương. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Như vậy, Thái Nguyên với vị trí chiến lược là một bộ phận quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc, nơi đứng chân của các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lựa chọn Thái Nguyên là bộ phận quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc bởi Thái Nguyên đã có đủ những yêu cầu khách quan, khoa học cần có đối với một căn cứ địa cách mạng.
Thứ nhất, căn cứ địa phải là nơi có vị thế chiến lược để “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế. Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với vùng miền núi phía Bắc vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Với mạng lưới đường mòn từ Thái Nguyên có thể cơ động sang các tỉnh của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống duyên hải Đông Bắc Bộ, tạo thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ nhanh chóng đến các địa phương, song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch. Đồng thời, từ ATK Thái Nguyên có thể sang Lạng Sơn, thông ra biên giới, bảo đảm giao lưu quốc tế. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, đường di chuyển không quá xa; luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến.
1
Bác Hồ, Bác Tôn Đức Thắng và đồng chí Hoàng Quốc Việt tại xã Điềm Mặc  ATK Định Hóa tháng 8.1947
Thứ hai, căn cứ địa phải là nơi có cơ sở cách mạng sớm, có phong trào quần chúng mạnh mẽ, nhân dân trung thành với cách mạng. ATK Thái Nguyên là địa bàn của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nhưng lòng yêu nước đã gắn kết họ thành một khối đoàn kết thống nhất chống giặc ngoại xâm. Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên có truyền thống: Anh dũng, kiên cường, thật thà, chất phác, thủy chung. Đặc biệt, khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được bồi đắp và càng trở nên sâu sắc; nhân dân các dân tộc ở ATK Thái Nguyên một lòng gắn bó thủy chung với Đảng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng.
Thứ ba, căn cứ địa phải là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ. ATK Thái Nguyên có vị trí chiến lược hiểm yếu, sau lưng là rừng núi đại ngàn, điểm cuối của dãy Hoàng Liên hùng vĩ, được vòng cung Bắc Sơn và Sông Gấm bao bọc. Trước mặt là vùng trung du đồi gò bát úp và những dải đồng bằng hẹp trung lưu sông Cầu, sông Công. Địa thế các huyện Định Hoá, Phú Lương hiểm trở, đồi núi xen lẫn thung lũng thuận tiện cho việc ẩn náu, có thể sản xuất tự cấp và giữ được yếu tố bí mật. Chính nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, giao thông thuận tiện.
2
Bác Hồ cùng các chiến sỹ tăng gia sản xuất tại chiến khu Việt Bắc
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lựa chọn Thái Nguyên thành căn cứ địa cách mạng, trở thành “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã thể hiện tầm nhìn chiến lược bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng xác định: Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, ví trí trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Vị trí trung tâm và giá trị thời đại của ATK Thái Nguyên được thể hiện:
Một là, ATK Thái Nguyên - “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đầu não của Đảng đã di chuyển khỏi Hà Nội, tiến về chiến khu, về với ATK Việt Bắc, “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô Kháng chiến”. ATK Thái Nguyên là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến. Thái Nguyên là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhiều chủ trương lớn, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu là: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Thái Nguyên dự Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức); Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 và đặc biệt, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954; dự họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hai là, ATK Thái Nguyên là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài.
Có thể khẳng định, mối quan hệ thân thiện, hợp tác mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới được bắt nguồn từ ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp. ATK Thái Nguyên (trung tâm là ATK Định Hoá) là một trong những nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài. Năm 1948, tại xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của đồng chí Chu Ân Lai bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ nhau giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 4/1949, lãnh đạo phong trào du kích Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị quân đội Việt Nam tiếp tục chiến đấu, giúp đỡ quân giải phóng Trung Quốc giải phóng khu Ung - Long - Khâm. ATK Thái Nguyên còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Léo Figures dẫn đầu, đoàn Điện ảnh Liên Xô, nhà đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen và nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế...
Tháng 1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi từ ATK sang thăm và làm việc với Trung Quốc và Liên Xô. Chuyến thăm đó đã mở ra thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cử một số cán bộ sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Thái Nguyên, giúp đỡ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Tháng 9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ba là, ATK Thái Nguyên là nơi phát động các phong trào cách mạng, tổ chức và diễn ra các hoạt động quân sự có tính chất lịch sử của các lực lượng vũ trang nói chung.
Là ATK Trung ương, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên (trực tiếp là huyện Định Hóa) sớm được hưởng nền tự do, dân chủ với những chính sách thực sự vì lợi ích của nhân dân. Trong ATK Thái Nguyên, bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố và kiện toàn, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ. Ở đây có các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, cơ quan Bộ Quốc phòng... được chia thành từng bộ phận nhỏ, thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện. ATK Thái Nguyên là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm các chính sách kinh tế, tài chính, đặc biệt là chính sách thuế nông nghiệp (5/1951) của Chính phủ, từng bước đem lại quyền lợi vật chất cho nhân dân các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào bình dân học vụ ngày càng mở rộng; cuộc vận động nếp sống vệ sinh với phong trào “Ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) và chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong vùng với phương châm “phòng bệnh là chính”; hiện tượng “cầu ma”, “cúng ma” giảm dần. Công tác tuyên truyền thời sự, chính sách được chú trọng, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng mở rộng.
3
Lễ thành lập Đại đoàn Quân Tiên Phong-Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28/8/1949
tại Đồn Đu, huyện lỵ huyện Phú Lương (nay là thị trấn Đu, huyện Phú Lương)
Trên mảnh đất ATK Thái Nguyên, các binh đoàn chủ lực như: Đại đoàn 308 - quân tiên phong (Thị trấn Đu - huyện Phú Lương), Trung đoàn 174, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn pháo phòng không 367 được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa và cũng đứng chân trên Thủ đô kháng chiến.
2. Phát huy vai trò ATK Thái Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Nhằm phát huy vị trí chiến lược quan trọng của ATK Thái Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Thái Nguyên cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là, xây dựng ATK Thái Nguyên mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, với nền kinh tế hiện đại, phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững; là trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn ở trong nước; có các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc; cửa ngõ phía Bắc vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ; là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh cho cả vùng trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên tập trung phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh.
Thái Nguyên cần quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; phấn đấu trở thành địa phương xứng đáng với vai trò, vị thế, tiềm năng là cái nôi của cách mạng, Thủ đô kháng chiến, là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân của các địa phương ngày càng vững chắc.
Hai là, phát huy giá trị của ATK Thái Nguyên trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
ATK Thái Nguyên đang dần trở thành điểm đến du lịch bậc nhất của Thái Nguyên khi sở hữu một quần thể Di tích quốc gia đặc biệt, có diện tích lớn nhất Việt Nam, trải rộng 520km2 với 182 điểm di tích, phân bố trên 23 xã, thị trấn, là địa chỉ đỏ nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ người Việt Nam hành hương về nguồn. Đó là minh chứng sinh động cho những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của mảnh đất cách mạng. Thái Nguyên tổ chức triển khai hoạt động “Trải nghiệm về nguồn ATK Định Hóa, Thủ đô gió ngàn” nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên thông qua hình thức trải nghiệm thực tế. Ngoài những địa điểm trong khu di tích, du khách sẽ có những trải nghiệm trong hoạt động nhóm cộng đồng, vui chơi, giải trí, hòa mình không gian văn hóa địa phương. Qua đó, góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại khu di tích lịch sử ATK, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách tham quan.
Từ hành trình về nguồn Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên cần kết nối du lịch các tỉnh Việt Bắc như: ATK Chợ Đồn, Chợ mới (Bắc Kạn), Pắc Bó (Cao Bằng), Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, (Lạng Sơn), ATK Tân Trào (Tuyên Quang) để tạo thành chuỗi du lịch lịch sử - giáo dục - trải nghiệm hấp dẫn, đa dạng, phong phú. Những địa điểm là thế mạnh để quảng bá văn hóa, con người, tiềm năng du lịch các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đưa du lịch các tỉnh không chỉ là “điểm đến” thu hút khách tham quan mà còn là “điểm dừng” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch. Là cầu nối giúp ngành du lịch của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở rộng liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng, sản phẩm du lịch góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Ba là, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, là nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, tinh thần độc lập, tự lực, tự cường chủ động, ngăn ngừa và đối phó có hiệu quả mọi tình huống cả thời bình, thời chiến.
Thái Nguyên là tỉnh trung du, miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, được Chính phủ xác định là trung tâm tiểu vùng Đông Bắc. Trong thế phòng thủ chung của cả nước và của Quân khu 1, Thái Nguyên là lá chắn bảo vệ phía Bắc Thủ đô Hà Nội và một hướng phòng thủ quan trọng của Quân khu 1. Để tạo ra sức mạnh khu vực phòng thủ của tỉnh, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần chú trọng lãnh đạo các ngành, các cấp xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh vững mạnh, trên cơ sở xây dựng toàn diện (lực lượng, thế trận) các mặt: chính trị, kinh, tế, quân sự, an ninh, văn hóa, xã hội. Củng cố xây dựng tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ các cấp, tạo đà để địa phương phát triển kinh tế bền vững. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang và toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thái Nguyên cần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo ra sức mạnh và tiềm lực về chính trị, tinh thần cho khu vực phòng thủ, nhất là các huyện trọng điểm, vùng miền núi khó khăn.
Bốn là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương của Thái Nguyên. Các lực lượng quân sự, biên phòng, công an được chăm lo xây dựng có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có những chủ trương, biện pháp phù hợp, tập trung xây dựng các chi bộ, đảng bộ quân sự, biên phòng, công an trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt; gắn xây dựng các chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan quân sự, biên phòng, công an vững mạnh toàn diện, có đủ trình độ, năng lực tham mưu cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ. Lực lượng thường trực của tỉnh được xây dựng, tổ chức theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt quy trình tạo nguồn, đăng ký, quản lý, sắp xếp, huấn luyện đến việc đảm bảo chế độ, chính sách... Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng và cơ cấu thành phần hợp lý; chú trọng nâng cao chất lượng tổng hợp, nhất là chất lượng chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu.
Với truyền thống cách mạng, là “Thủ đô kháng chiến”, ATK Thái Nguyên luôn giữ vững vai trò, vị trí, tầm nhìn chiến lược khi được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn xây dựng căn cứ địa cách mạng. ATK Thái Nguyên tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Với niềm tin và khát vọng về một Thái Nguyên giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm giữ vững truyền thống anh hùng cách mạng, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh nói chung, ATK Thái Nguyên nói riêng ngày càng giàu đẹp, bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển./.
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4056

Thống kê website

  • Đang truy cập124
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,597
  • Tổng lượt truy cập18,335,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây