Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại

Thứ hai - 10/10/2022 22:20   Đã xem: 316   Phản hồi: 0

Công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Không phải ngẫu nhiên, từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trung ương Đảng đã thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc. Người đã căn dặn: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phòng trào thi đua yêu nước.
1
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thi đua yêu nước không phải là công việc của một người, một nhà cũng không phải là công việc của một ngành hay một địa phương nào cả mà phải thực hành: “Người người thi đua; ngành ngành thi đua”. Chính những năm chống thực dân Pháp xâm lược, đất nước gặp muôn vàn khó khăn trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao... không còn cách nào khác là phải trường kỳ kháng chiến để bảo vệ thành quả cách mạng, Người kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị văn hóa”.
Để huy động được toàn dân tham gia thi đua, phải dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”. Trong suốt hành trình hai cuộc kháng chiến của dân tộc, để chèo lái con thuyền cách mạng đến bờ thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào sức dân là chính, với tư tưởng “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” hay tư tưởng “lấy dân làm gốc" là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói nó bao trùm lên mọi lĩnh vực, thể hiện được mục tiêu lý tưởng của Đảng, bản chất của nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước phải là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, có nghĩa là phải huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia: sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước. Suy rộng ra, thi đua yêu nước là tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, tăng cường sức mạnh tinh thần, chuyển hoá sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất nhằm giải quyết những khó khăn trước một bước ngoặt hay sự chuyển đổi giai đoạn của cách mạng.
Mục đích thi đua yêu nước: nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, để “toàn dân đủ ăn, mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toànđể thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Nội dung thi đua yêu nước: phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân, và được gắn kết với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Hình thức thi đua: được đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, Người còn thường xuyên quan tâm, theo dõi sự phát triển của phong trào và chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương người tốt, việc tốt. Thi đua yêu nước theo tư tưởng của Người vừa thiết thực, dễ hiểu, dễ đi sâu vào cuộc sống, lại vừa sâu sắc, toàn diện có sức quy tụ và hấp dẫn lớn, gắn thi đua với yêu nước, lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước; đồng thời, lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua. Qua đó, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức đoàn kết, phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, đem hết tài năng trí tuệ bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, toàn thể nhân sỹ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ lập nên những chiến công hiển hách không chỉ bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn chung sức đồng lòng, phấn đấu đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế.
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo vào phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong từng giai đoạn cách mạng: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào: “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động phong trào thi đua xây dựng đời sống mới; phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” ... Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ này đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam: Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã được tổ chức, điển hình là các phong trào: “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... Khẩu hiệu hành động: nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược đã động viên, cổ vũ, huy động toàn bộ sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, khơi dậy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc đoàn kết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2
Phong trào mỗi người làm việc bằng hai đã tạo nên “Gió Đại Phong” được phát động thi đua trên toàn miền Bắc trong những năm 60 thế kỷ XX
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ đổi mới các phong trào thi đua tiếp tục được phát động, thực hiện có hiệu quả góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”…
Vận dụng và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Chỉ thị số 39-CT/TW Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Sau đó, ngày 04/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hằng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước để các cấp, các ngành đẩy mạnh việc học tập tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý Nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới. Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt là được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp thời kỳ công nghiệp 4.0, an sinh xã hội được bền vững, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế, tiêu biểu như các phong trào: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”…
3
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hoa tại Khu di tích địa điểm tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua
và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất - xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương
74 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Để tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới Thái Nguyên cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”, tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của mỗi tổ chức và cá nhân khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hai là, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; trong đó, chú trọng gắn thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò xung kích của các đợt thi đua đột kích, ngắn hạn, thiết thực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả và có chiều sâu của các phong trào, nhất là các phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, ban, ngành...
Ba là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở; các gương người tốt, việc, tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Thái Nguyên tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiêu biểu: Phong trào: “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. /.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4056

Thống kê website

  • Đang truy cập130
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,559
  • Tổng lượt truy cập18,335,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây