Bác Hồ với văn nghệ sĩ, trí thức ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ tư - 05/10/2022 22:06   Đã xem: 154   Phản hồi: 0

Sau khi đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc, Hà Đông để di chuyển dần nơi ở và làm việc của cơ quan Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc. Những nghệ sĩ, trí thức  yêu nước đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nay nguyện một lòng đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên chiến khu để tiến hành cuộc trường chinh, bảo vệ thành quả của nước Việt Nam mới.

1. Đảng và Bác Hồ sớm nhận thấy và đánh giá đúng vai trò, vị trí của nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp cách mạng nước ta
Đầu năm 1943, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được một số nghệ sĩ, trí thức yêu nước, tiến bộ vào Hội Văn hoá cứu quốc. Hội được thành lập vào tháng 4/1943 tại Hà Nội, lấy Đề cương văn hoá Việt Nam của Đảng làm kim chỉ nam cho hoạt động văn hoá, văn nghệ của mình. Cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tiên Phong. Nhờ tận dụng và phát huy được tài năng, nhiệt huyết của văn nghệ sĩ trong Hội Văn hoá cứu quốc mà khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thêm sôi nổi, mạnh mẽ, góp phần vào sự thành công của cuộc cách mạng. Dần dần, Hội Văn hoá cứu quốc phát triển tới các tỉnh, thành rồi mở rộng ra cả nước, với số lượng hội viên ngày càng đông đảo.
Cũng nhờ sớm thấy rõ và đánh giá đúng vai trò, vị trí của văn nghệ sĩ đối với cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của dân tộc, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương cho chuyển cơ quan Hội Văn hoá cứu quốc và nhiều văn nghệ sĩ trung kiên, tài năng lên chiến khu Việt Bắc từ đầu năm 1947. Một số hội viên khác được phân công hoạt động ở khu III, khu IV, khu V… và Nam Bộ để phục vụ cuộc kháng chiến đang lan rộng.
Sau hai năm toàn quốc kháng chiến, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội của Hội Văn hoá cứu quốc tại một địa điểm tại căn cứ địa Việt Bắc (7/1948), sau đó, Hội được đổi tên là Hội Văn nghệ Việt Nam. Cơ quan lãnh đạo Hội làm việc tại một địa điểm mới là xóm Chòi (Kỳ Linh), xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Những người đầu tiên có mặt tại đây là Tố Hữu (bí danh Lành) và các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…
Với quan điểm văn hoá - văn nghệ cần trực tiếp phục vụ kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ được biên chế vào đơn vị bộ đội chủ lực để vừa tham gia chiến đấu vừa sáng tác. Nguyễn Đình Thi làm Chính trị viên phó tiểu đoàn, Nguyễn Công Hoan làm biên tập viên báo Vệ Quốc quân, kiêm Giám đốc Trường Trung cấp văn hoá quân nhân tại Việt Bắc, Tô Hoài cùng bộ đội đi chiến dịch Việt Bắc, Tây Bắc; Nam Cao, Hồ Phương đi chiến dịch Biên Giới… Các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh, quay phim… lần lượt đi vào cuộc kháng chiến để sáng tác. Các đoàn văn công đi phục vụ chiến dịch, phục vụ các Đại hội ở chiến khu… Báo Cứu quốc, trụ sở ở Bắc Kạn, Tạp chí Văn nghệ đóng ở Đại Từ, Thái Nguyên là những cơ quan ngôn luận đăng tải nhiều sáng tác của văn nghệ sĩ kháng chiến. Nhiều tác phẩm được công bố, nhiều nghệ sĩ tài năng xuất hiện, góp phần làm cho “văn hoá, văn nghệ là một mặt trận”; văn nghệ sĩ trở thành “chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
image 20221029090705 1
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bàn giao Biển chỉ dẫn vào Di tích nơi ở và làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam
(trong giai đoạn 1949 - 1950) tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ
Đảng, Bác Hồ rất sáng suốt trong việc chiêu tập đội ngũ trí thức tài năng, yêu nước thuộc giai cấp và tầng lớp khác nhau dưới chế độ cũ, làm việc cho chính quyền mới, khi Cách mạng Tháng Tám thành công và tiếp tục vận động họ tạm rời cuộc sống phồn hoa đô hội lên chiến khu để trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có một số trường hợp tiêu biểu:
Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955) nổi tiếng là vị quan thanh liêm chính trực, yêu nước thương dân nhất trong hàng ngũ quan lại Nam triều. Ở thời điểm đêm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh mời Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị. Khi Chính phủ Liên hiệp được thành lập, Hồ Chủ tịch trực tiếp viết thư cho Cụ với lời lẽ rất trân trọng: “Thưa Ngài, tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi muốn mời Ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến cho công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cám ơn và chúc Ngài mạnh khoẻ. Kính thư: Hồ Chí Minh”. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời. Tháng 1/1946, Cụ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I, làm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, sau đó được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Trong những năm 1947, 1948, Cụ sống, làm việc ở chiến khu Việt Bắc.
Cụ Phan Kế Toại (1892 - 1973), xuất thân trong gia đình quan lại, từng làm quan từ Tri huyện đến Tổng đốc, được đào tạo ở trường Hành chính thuộc địa tại Paris (Pháp) từ năm 1911 đến năm 1914. Khi Nhật đảo chính Pháp, Cụ làm Khâm sai Bắc Bộ (thay mặt vua Bảo Đại, được toàn quyền ở địa hạt này) và đã ra lệnh cho thuộc hạ của mình ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ không được nổ súng vào quần chúng khởi nghĩa, giúp tránh thiệt hại cho Cách mạng Tháng Tám. Cụ còn tạo điều kiện cho con trai là Phan Kế An hoạt động trong tổ chức Việt Minh, cất giấu súng đạn trong nhà riêng ở Đường Lâm, Sơn Tây. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người đến Thanh Lũng, Sơn Tây mời cụ Phan tham gia Chính phủ. Biết Chủ tịch nước là bạn năm xưa đã gặp ở Paris (1911), Cụ nhận lời ngay và lên Việt Bắc kháng chiến, với chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi làm đến  Phó Thủ tướng.    
Ông Phạm Khắc Hoè (1902 - 1995), xuất thân khoa bảng, được đào tạo ở Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Đông Dương. Trước Tháng Tám năm 1945, Ông làm Ngự tiền văn phòng Đổng lý cho vua Bảo Đại. Phạm Khắc Hoè là người soạn Chiếu thoái vị, đồng thời chứng kiến sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông làm Giám đốc Nha pháp - chính, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Tháng 8/1947, ông cũng lên Việt Bắc. 
Luật sư Phan Anh (1912 - 1990) là người nổi tiếng học giỏi ở trường Bưởi (1926), rồi học trường Đại học Luật Đông Dương, tốt nghiệp loại giỏi năm 1937. Năm 1938, ông sang Pháp hoàn thiện luận án tiến sĩ, nhưng do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ nên năm 1940, về nước hành nghề luật sư. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phan Anh ở Hà Nội và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vào Chính phủ Liên hiệp, được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Phan Anh cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế, rồi làm Bộ trưởng Bộ Công thương.
2. Những ấn tượng sâu sắc của nghệ sĩ, trí thức được gặp gỡ, làm việc với Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc
Một hoạ sĩ trẻ người Nam Bộ là Diệp Minh Châu đã thể hiện tình cảm rất đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, anh chỉ được thấy chân dung Bác qua tấm bưu ảnh nhỏ rồi dựa vào đó để vẽ lại, vẽ rất nhiều, vẽ đến thuộc lòng. Nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày Độc lập (2/9/1947), Diệp Minh Châu chích máu ở cánh tay mình để vẽ Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc. Tác giả gửi bức tranh này ra Việt Bắc tặng Bác, cùng với lá thư rất cảm động[1]
image 20221029090705 2
Các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở xóm Chòi (Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1949.
Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân
Năm 1951, Diệp Minh Châu được ra Việt Bắc công tác. Trong một cuộc Đại hội ở chiến khu, đồng chí Phạm Văn Đồng đưa anh đến gặp Bác Hồ. Người ân cần hỏi thăm kết quả công việc và xem tranh vẽ mới của anh. Diệp Minh Châu bày tỏ nguyện vọng muốn được gần Bác để trực tiếp vẽ thật nhiều, sau này đem về cho đồng bào miền Nam thấy chân dung và những hình ảnh sinh hoạt của Bác ở chiến khu Việt Bắc. Không một phút do dự, Bác nói với người cần vụ: “Sau Đại hội, chú nhớ đưa chú Châu về chỗ Bác nhé!” Thế là Diệp Minh Châu được sống bên Bác Hồ gần 6 tháng để thoả ước nguyện của mình. Anh vẽ rất nhiều và dành thêm thời gian vẽ tỉ mỉ bức tranh nhà sàn của Bác, vì sợ rằng, khi Bác chuyển đi nơi khác, ngôi nhà bị đốt để giữ bí mật thì không còn cơ hội vẽ lại nữa. Theo lời kể của Diệp Minh Châu, ngôi nhà này có 6 chân cột, diện tích chỉ bằng hai bộ phản... Xem tranh vẽ của Diệp Minh Châu, Bác nhìn sang đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng rồi cười, nói: “Chú Châu vẽ có cái lạ… không đề tên cũng nhận ra được người. Cùng với lời động viên tế nhị ấy, Bác không quên nhắc nhở cháu hoạ sĩ trẻ: Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ. Xem bức tranh nhà sàn Diệp Minh Châu vừa vẽ xong, Người chỉ tay vào một góc, nói: “Chú cho thêm con chó nhỏ của Bác vào đây nhé. Thường ngày nó vẫn nằm đây. Có người, có vật cho nó vui. Để Bác giữ cho chú vẽ nhé…”[2].
Hoạ sĩ Phan Kế An, kể: Cuối năm 1948, khi đang làm việc tại báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân ngày nay) thì được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ đến nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá để vẽ. Công việc chính của anh là vẽ Bác Hồ ở mọi tư thế, bằng mọi chất liệu, thời gian không hạn định nhưng thế nào cũng phải có một bức để in trên số báo tới. Phan Kế An nhớ lại: Từ con đường mòn trên đèo De, ông đi bộ chừng 300 mét thì thấy Bác mặc bộ đồ nâu, một mình ra đón. Người bắt tay, ôm vai hoạ sĩ, thân mật hỏi thăm sức khoẻ và chuyện đi đường. Phan Kế An vô cùng cảm động, nghĩ mình mới trên 20 tuổi mà được đối xử trân trọng, thân tình như thế, thật là một điều ông chưa từng thấy khi tiếp xúc với các lãnh đạo khác. Được ở, ăn cùng Bác gần 2 tuần lễ, Phan Kế An vẽ xong 20 bức tốc họa về Bác Hồ. Mỗi ngày làm việc, hoạ sĩ được Bác cho một điếu thuốc lá thơm, nhưng không kịp hút, anh lại bỏ vào túi áo ngực. Dần dần, số điếu thuốc tích được tăng lên, hoạ sĩ nảy ra ý định dùng để làm quà cho anh em trong cơ quan khi xong việc trở về. Đoán được ý định ấy, Bác hỏi họa sĩ về số cán bộ ở nơi làm việc. Biết có 30 người, Bác cho thêm 17 điếu nữa và nói: Cháu đem về cho anh em nhé. Còn điếu Bác vừa mời, cháu cứ hút đi.
Trong số 20 bức vẽ của Phan Kế An, Bác Hồ chọn một bức rồi bỏ cẩn thận vào ống nứa đậy nắp kín, gửi cho đồng chí Trường Chinh. Bức vẽ ấy đã được in trên số báo Sự thật, phát hành ở khắp các chiến khu. Phan Kế An kết luận: “Từ những ngày làm việc ngắn ngủi ấy, tôi hiểu được Bác nhiều hơn. Tôi nhận thức được nhân cách cao đẹp của Bác Hồ, một nhân cách sâu sắc và tôi lúc nào cũng tưởng nhớ đến những tháng ngày không thể quên được ấy”[3].
Nhà văn Hồ Phương kể lại một trong ba lần lần được gặp Bác Hồ khi ông là cán bộ chính trị Đại đoàn 308, kiêm hoạ sĩ nghiệp dư. Cuối năm 1951, Chiến dịch Trung du kết thúc thắng lợi thì cũng là thời gian gần Tết. Cơ quan Đại đoàn 308 lúc đó đóng ở Bờ Rạ, Sông Công, Thái Nguyên chuẩn bị đón Bác tới thăm. Đại đoàn chủ trương làm một bàn thờ Tổ quốc ở phòng khánh tiết. Hoa tươi đã kiếm đủ, khẩu hiệu đã cắt dán, trang hoàng rực rỡ, chỉ còn thiếu một chân dung Bác Hồ. Được lãnh đạo Phòng Chính trị gợi ý, Hồ Phương nhận lời vẽ chân dung Bác, vì ông đã từng kí họa Bác với chú thiếu sinh quân thương binh miền Nam, đăng báo Cứu quốc năm 1946. Vẽ xong, mọi người tán thưởng: Được! Được rồi đấy! Đúng ngày mồng một Tết, Bác đến. Mọi người vui khi thấy Bác chăm chú nhìn bàn thờ Tổ quốc và chân dung của mình. Bỗng Bác mỉm cười, gật đầu: Giống! Giống đấy! Tác giả bức chân dung vô cùng sung sướng vì được Bác khen, được đồng đội cười vui chia sẻ. Vẫn nhìn bức chân dung, Bác gật gù tiếp: Giống! Ừ, giống lắm! Giống y như…đồng chí Hồ Tùng Mậu vậy! Mọi người cười vang bởi câu pha trò hóm hỉnh của Bác. Số là, đồng chí Hồ Tùng Mậu, một Uỷ viên Trung ương khi ấy, bằng tuổi Bác và cũng để râu y như Bác. Kéo Hồ Phương lại gần, Bác nói: “Thế cũng là tốt rồi! Bác cảm ơn chú đấy!” Mọi người lại vỗ tay ran, lần này còn to và kéo dài hơn trước”[4]
Vũ Năng An nhiều năm được đi theo Bác chụp ảnh tư liệu, kể: có lần mới lên Việt Bắc, ông chụp ảnh chân dung Bác rồi tự khen: Trông Bác trong ảnh giống như một ông Tiên. Bác nhìn nhà nhiếp ảnh, cười rồi nói: “Ảnh ông Tiên thì không phải là ảnh Bác! Ảnh người, trước hết là phải thực”. Một bài học sâu sắc sắc cho nghệ sĩ nhiếp ảnh về tính chân thật của ảnh tư liệu!
Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thế Đoàn, tác giả của những thước phim về sinh hoạt hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK, như đoạn Người cởi trần tắm suối, giặt áo, vắt khô rồi hong trên cái sào nhỏ, vác về nhà; đoạn phim Bác đánh bóng chuyền cùng anh em trong cơ quan, gần cây đa; đoạn phim Bác “biểu diễn” thái cực quyền trong bộ áo bà ba, vật ngã một đối thủ, rất thực và sinh động… Trước khi quay, Nguyễn Thế Đoàn đề nghị Bác mặc đẹp để những thước phim này gửi vào miền Nam cho đồng  bào cùng xem. Bác không chấp nhận đề nghị đó. Người nói: “Bác như thế nào các chú cứ thế mà quay”[5]. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta được xem những thước phim rất thực về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.
Văn nghệ sĩ, trí thức còn có ấn tượng sâu sắc về sự chia sẻ của Bác Hồ: Chia sẻ về trách nhiệm, nỗi lo việc nước và về niềm vui trong công việc, niềm vui chiến thắng.
Luật sư Phan Anh kể: Kháng chiến toàn quốc, anh em chúng tôi chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Hai tiếng “chiến khu” đối với người trí thức lúc đó chứa bao bí ẩn, lo âu… Buổi gặp mặt đầu tiên giữa Bác Hồ với các nhân sĩ trí thức thuộc thành viên Hội đồng Chính phủ được diễn ra trong một cái đình nhỏ bằng gỗ, không có đèn, chỉ có đống lửa đốt sáng giữa sân. Mọi người vui mừng nhận ra ông cụ đầu trùm khăn, ung dung đi ngựa tới. Giọng Bác nói sang sảng, ấm áp, thân tình đã củng cố tinh thần quyết tâm vượt gian khổ, kháng chiến đến cùng của dân tộc ta. Đặc biệt, chỉ sau một ngày sống ở rừng núi chiến khu, ông nhận được món quà tinh thần của Bác. Đó là bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc. Đây chính là lời nhắn gửi, động viên tinh thần, vừa sâu sắc vừa tinh tế của Bác: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Luật sư Phan Anh thổ lộ: “Nỗi lo của chúng tôi trong quãng đường đầu của kháng chiến dần dần tiêu tan và niềm vui nảy nở trong cuộc sống mới”[6].
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc. Bằng lực lượng lính dù, thuỷ quân và bộ binh, địch tiến công theo 3 hướng, với mục đích tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và sớm kết thúc chiến tranh. Quân Pháp từ Chợ Chu xuống Quán Vuông, định tập kích vào nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy là đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định, huyện Định Hoá (Thái Nguyên). Biết rõ kế hoạch của giặc, Bác bình tĩnh cùng cán bộ, chiến sĩ di chuyển cơ quan tới một địa điểm khác vào buổi tối, đi không đốt đuốc. Trên đường đi tránh giặc, luật sư Phan Anh hỏi Bác: Bây giờ chúng bao vây ta bằng hai gọng kìm thì ta phải làm thế nào? Bác lấy một cái que vẽ xuống mặt đất và nói: Chúng kẹp ta bằng hai gọng kìm thì ta luồn ra ngoài gọng kìm ấy. Ngày 15/10/1947 Bác đến ở và làm việc tại Làng Vang, xã Tràng Xá (nay thuộc xã Liên Minh), huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Tháng 11/1947, khi đang tránh giặc ở đây, luật sư Phan Anh được Bác gửi cho bài thơ, nhan đề: Cảnh khuya, gồm 10 câu: “Đêm khuya nhân lúc quan hoài/ Lên câu thơ thẩn chờ ai hoạ vần/ Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà/ Nước nhà đang gặp lúc gay go/ Trăm việc ngàn công đều phải lo/ Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức/ Sức nhiều thắng lợi lại càng to”. Ông Cù Huy Cận và một số trí thức khác cũng nhận được bài thơ này (do Bác đánh máy làm nhiều bản gửi cho). Tâm trạng lo việc nước thể hiện rõ ở chi tiết “Cảnh khuya… người chưa ngủ” và được láy lại “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Gửi bài thơ này cho nhân sĩ trí thức là Bác muốn chia sẻ nỗi lo việc nước với họ. Bác không muốn “độc quyền” lo việc nước, bởi vì theo Bác, chỉ có sự giúp sức của mọi người (đoàn kết) thì kháng chiến mới thắng lợi, và thắng lợi sẽ càng to. Một bài thơ gửi cho trí thức mà đầy đủ cả trách nhiệm, nỗi lo và niềm tin chiến thắng!
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, đầu năm 1948, Bác viết bài thơ Tặng Bùi công bằng chữ Hán để chia sẻ niềm vui chiến thắng với vị nhân sĩ trí thức cao tuổi. Nguyên bản được dịch ra tiếng Việt: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài. Cũng năm này, cụ Võ Liêm Sơn[7] từ Thanh Hoá ra Việt Bắc làm việc (khi ấy cụ là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Khu IV). Lúc cụ trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bài: Tặng Võ công, với nội dung tràn đầy tình cảm lưu luyến và niềm tin ở thắng lợi của cuộc cuộc kháng chiến. Bài thơ được dịch ra tiếng Việt: Nghìn dặm Cụ tìm đến/ Một lời trăm cảm thông/ Thờ dân tròn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/ Cụ đến, tôi mừng rỡ/ Cụ đi, tôi nhớ nhung/ Một câu xin tặng Cụ/ Kháng chiến ắt thành công! 
Kể từ ngày Bác Hồ trở lại căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến nay đã 75 năm. Ôn lại những sự kiện, những mẩu chuyện về mối quan hệ của Người với nghệ sĩ, trí thức ở chiến khu năm xưa, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học bổ ích: Bài học về tấm gương ngời sáng vì nước, vì dân; về tầm nhìn chiến lược chính trị, quân sự sáng suốt; về tài sử dụng con người, đặc biệt là cách ứng xử tinh tế, thân tình, lòng tin yêu đối với quần chúng nhân dân... của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính những phẩm chất ấy đã cảm hoá, khích lệ toàn dân, toàn quân ta, trong đó có tầng lớp nghệ sĩ, trí thức để họ phát huy hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là một trong những yếu tố làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung./.
PGS.TS Nguyễn Huy Quát
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên
 
 
[1] “Tôi vẽ Bác Hồ”-Diệp Minh Châu kể, trích trong “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, tập 1, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010, tr. 198.
[2] Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ  với Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 202.
[3] “Vẽ chân dung Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” - Phan Kế An, trích trong Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ…,  Sđd , tập 1, tr. 234.
[4] “Ba lần được gặp Bác”-Hồ Phương, trích trong “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ… Sđd, tập 1, tr. 132.
[5] “Những ngày được sống bên Bác”-Vũ Năng An, trích trong” Hồ chí Minh với văn nghệ sĩ…, Sđd, tập 2, tr. 344; “Tác giả những thước phim vô giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”-Trần Hiền, trích trong “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ…, Sđd, tập 2, tr.2
[6] “Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, Hoạ thơ và dịch thơ” - Phan Anh kể, trích trong cuốn “Thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2001, tr. 371.
[7] Võ Liêm Sơn (1888-1949), quê Hữu Ngạn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1911 đỗ bằng Thành chung ở Quốc học Huế, năm 1912 đỗ Cử nhân Hán học ở trường Quy Nhơn. Ông là nhà giáo, nhà văn, nhà cách mạng. Năm 1948, ông là Ủy viên UBKC-HC Khu IV rồi làm Chủ tịch Liên Việt Khu IV.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập112
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,256
  • Tổng lượt truy cập18,335,598
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây