Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ Tổng tham mưu trên quê hương Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ bảy - 15/10/2022 22:37   Đã xem: 502   Phản hồi: 0

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại Việt Bắc để xây dựng An toàn khu kháng chiến (sau này gọi tắt là ATK kháng chiến) trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đóng ở huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, nơi đặt cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến của Trung ương Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên lãnh đạo đất nước trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Những tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và xây dựng ATK nói riêng luôn là định hướng, kim chỉ nam cho Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, trưởng thành và phát triển. Sự quan tâm, gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thái Nguyên cũng như sự trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu trong những năm tháng ở mảnh đất này được thể hiện ở những vấn đề sau:
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Định Hóa - Thái Nguyên xây dựng trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến.
Sau một thời gian dài hoạt động ở nước ngoài, cuối năm 1938, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1940, Người đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) và đến tháng 8 năm ấy, Người trở lại Quế Lâm cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội trở về Tổ quốc. Tại đây, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”[1].
Định Hoá là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, có địa hình “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ), là nơi mà những đội du kích, cứu quốc quân có thể dựa vào núi rừng hiểm trở để bảo đảm bí mật, che giấu lực lượng, tổ chức hoạt động. Địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn là một trong những yếu tố bảo đảm cho huyện Định Hoá nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trở thành địa điểm xây dựng ATK Trung ương. Khu vực xung quanh căn cứ Định Hoá có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đáp ứng một phần nhu cầu vật chất cho kháng chiến, bảo đảm cho lực lượng kháng chiến có thể tồn tại và phát triển. Đặc biệt đối với nước ta, trong điều kiện thời bấy giờ, kinh tế chưa phát triển, giao thông khó khăn, lại bị đế quốc bao vây, phong tỏa, sự tồn tại nền kinh tế tự nhiên như ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn trong chừng mực nhất định, có tác dụng tích cực đối với cuộc kháng chiến.
1
Bác Hồ và các cụ trong Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt (1951)
Không chỉ có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi mà các địa phương này còn có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Đồng bào các dân tộc nơi đây sớm có truyền thống yêu nước và cách mạng, một lòng trung kiên, quyết tâm xả thân vì nước khi có giặc ngoại xâm. Định Hoá (Thái Nguyên) và Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) là những địa phương sớm có đảng viên cộng sản hoạt động. Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), xuất hiện những khu căn cứ địa đầu tiên, tạo thế đứng cho phong trào cả nước như: căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai ra đời cuối năm 1940 và nhanh chóng mở rộng ra các vùng xung quanh, thuộc địa phận các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố ngay cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc. Vì thế, Người đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ xây dựng, củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, trước tình hình có nhiều chuyển biến phức tạp, ngày càng căng thẳng, nguy cơ bùng nổ chiến tranh khó tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Chính từ tầm nhìn chiến lược trên, một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) cũng như ở Tuyên Quang được chọn làm nơi ở và làm việc dự phòng của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Đầu tháng 11/1946, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức Đội công tác đặc biệt, lấy bí danh là Trung đội 13 (thành phần gồm đại biểu của các ngành: quân sự, công an, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ…) nghiên cứu kế hoạch hành quân cho các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên Việt Bắc bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn.
Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt khảo sát thực tế mọi mặt, quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương.
Cuối tháng 4/1947, Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu hành quân từ huyện Chương Mỹ lên Định Hóa để xây dựng căn cứ và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, “Người và Trung ương Đảng đề ra lúc này là bảo toàn chủ lực để kháng chiến lâu dài”[2].
Như vậy, từ mùa Xuân năm 1947, trên vùng miền núi Việt Bắc đã hình thành ATK Trung ương, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hoá (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương và Yên Sơn (Tuyên Quang). Nơi đây đã trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quân đội và Mặt trận Liên Việt như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Văn Tiến Dũng và Hoàng Văn Thái  - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ và hào hùng.
Hai là, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tham mưu tại Thái Nguyên
An toàn khu (ATK) Định Hóa tỉnh Thái Nguyên là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu. Những địa danh tại ATK Định Hóa gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, với những quyết sách quan trọng trong 9 năm kháng chiến.
Tại ATK, yêu cầu đặt ra cho Bộ Tổng Tham mưu là cần phải xây dựng căn cứ địa Việt Bắc vững mạnh về mọi mặt, làm nơi đứng chân lâu dài của bộ máy đầu não kháng chiến và làm công tác tham mưu xây dựng bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích; chỉ đạo tác chiến trên các chiến trường toàn quốc, thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đi tới thắng lợi.
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở đầu cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, thực hiện đòn đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán “Âm mưu của chúng là đánh ào ạt, chớp nhoáng, dùng cách “sét đánh ngang tai” làm cho ta hoang mang hoảng hốt, làm cho ta trở tay không kịp”[3]. Trên cơ sở thường xuyên theo dõi, nắm bắt âm mưu và hành động của địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu phải bám sát tình hình chiến trường, kịp thời điều chỉnh lại lực lượng để chủ động đánh địch; triển khai đánh cắt giao thông, không cho địch tự do cơ động, tiếp tế, tăng viện; chỉ đạo các Khu phân tán các kho tàng, công xưởng, trạm trại, sơ tán và hướng dẫn nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, sẵn sàng đánh địch.
Dưới sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Bộ Tổng Tham mưu, hoạt động tác chiến của quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc đã liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân, đánh phá, càn quét của thực dân Pháp. Ngày 19/11/1947, sau 40 ngày tiến công, đại bộ phận quân Pháp phải rút khỏi căn cứ địa Việt Bắc[4]. Đây là chiến thắng đầu tiên ở quy mô chiến dịch của ta, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Tổng Tham mưu, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới.
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta có những chuyển biến mới. Tháng 7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở đường giao thông nối liền với biên giới từ Cao Bằng đến Đông Khê, đồng thời mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; phá hàng rào phong tỏa của thực dân Pháp “Mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc”[5]. Ngày 25/7/1950, thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên Giới. Trong những năm tiếp sau, mệnh lệnh mở các chiến dịch Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… cũng được phát đi từ trung tâm đầu não kháng chiến ATK Định Hóa.
Ngày 10/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên Giới. Trong Chiến dịch này, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo kế hoạch tác chiến, tích cực chuẩn bị chiến trường. Trên cơ sở chủ động nắm chắc, đánh giá đúng tình hình, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng lựa chọn hướng tiến công chiến lược chính xác, xác định phương châm chiến dịch là “đánh điểm, diệt viện”, có kế hoạch tác chiến phù hợp; linh hoạt chuyển hóa thế trận, xác định đúng đối tượng cần tập trung tiêu diệt, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Sau gần một tháng chiến đấu (16/9/1950 - 14/10/1950), chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi, đánh dấu sự trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu về công tác nắm địch, xây dựng kế hoạch, khả năng tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao. Thắng lợi của chiến dịch Biên Giới tạo ra bước ngoặt cơ bản cho cuộc chiến tranh, buộc địch phải chuyển sang chiến lược phòng ngự; ta bắt đầu chuyển sang giai đoạn chiến lược chủ động phản công và tiến công.
Vào hạ tuần tháng 9/1953, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tham dự Hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Tỉn Keo, Định Hóa để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cho ý kiến về kế hoạch tác chiến Thu - Đông 1953. Từ sự phân tích, đánh giá đúng âm mưu chiến lược của thực dân Pháp trong Kế hoạch Navarre, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định chủ trương “Phải bảo đảm đánh chắc thắng, thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”[6].
Tiếp đó, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Người chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị… vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”[7]. Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận[8]. Bộ Tổng Tham mưu xây dựng và báo cáo với Tổng Quân ủy Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến là “Sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”[9].
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu đã huy động toàn lực tham gia chỉ đạo và chỉ huy, góp phần cùng các cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương hoàn thành các mặt chuẩn bị cho chiến dịch; chỉ đạo chuyển hướng kịp thời khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quá trình chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong tiến công trận địa, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm trong một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày, xa căn cứ hậu phương. Đồng thời, chỉ đạo các chiến trường toàn quốc phối hợp nhịp nhàng với Điện Biên Phủ. Bộ Tổng Tham mưu đã có những đóng góp quan trọng và có bước trưởng thành lớn, toàn diện trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Như vậy, tại ATK Thái Nguyên, nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến được quyết định và từ đây Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với nhân dân các dân tộc căn cứ địa Việt Bắc, ATK Thái Nguyên đã không chỉ che chở, đùm bọc Người và các đồng chí lãnh đạo Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng mà còn có quyền tự hào đã trực tiếp đóng góp sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
2
Bác Hồ thăm Nhân dân trong ATK Định Hóa gặt lúa
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Chỉ huy và sự mưu lược, sáng tạo của cơ quan tham mưu chiến lược. Cán bộ Bộ Tổng Tham mưu từ chỗ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết nhiều về công tác tham mưu, đã vừa làm, vừa học, từng bước phát triển, trưởng thành, từ tham mưu chỉ đạo, chỉ huy chiến tranh du kích tiến lên tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, của Quân đội, góp phần quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Ba là, tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, căn cứ ATK Thái Nguyên nói riêng luôn là định hướng, kim chỉ nam cho Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, phát triển, trưởng thành
Là lãnh tụ của cách mạng và linh hồn của cuộc kháng chiến, trực tiếp chỉ đạo tổ chức, xây dựng Bộ Tổng Tham mưu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của Bộ Tổng Tham mưu. Sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ Tổng Tham mưu rất cụ thể ngay từ những ngày đầu thành lập; vạch ra chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu; chỉ ra con đường cho Bộ Tổng Tham mưu vượt qua khó khăn, phát triển, chính những tư tưởng quân sự của Người đã trở thành phương hướng, phương châm chỉ đạo hành động của Bộ Tổng Tham mưu trong mọi hoạt động.
Theo tư tưởng của Người, căn cứ địa phải là nơi có địa thế chiến lược để “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế. Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Từ đây có thể cơ động khắp miền trung du xuôi xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống duyên hải Đông Bắc Bộ. ATK có hệ thống mạng lưới đường mòn tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, bảo đảm sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng đến các địa phương song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, chặng đường di chuyển lại không quá xa, luôn bảo đảm kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến. Đồng thời, nhân dân các dân tộc anh em nơi đây mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp là: anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục một sức mạnh nào; thật thà, chất phác, thủy chung...; nhất là khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội và càng trở nên sâu sắc. Là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ. Chính nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn mà địch khó có thể tập trung lực lượng để đàn áp trên phạm vi toàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu đã nắm chắc, nghiên cứu kỹ và phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình địch, ta, tương quan so sánh thế và lực trên chiến trường, tham mưu và đề xuất với Đảng, Chính phủ các chủ trương, chiến lược, kế hoạch quân sự. Đồng thời, trực tiếp vận dụng sáng tạo đường lối đó vào điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến để tổ chức, quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng, phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang, giữa các chiến trường, bày mưu tính kế, tạo thế, tạo lực, tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng và huấn luyện lực lượng vũ trang, quân đội... Đặc biệt, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghiên cứu xây dựng căn cứ địa, chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang, tác chiến và huấn luyện... đã trở thành nền tảng tư tưởng, nghệ thuật quân sự và là kim chỉ nam cho hành động của Bộ Tổng Tham mưu.
Cũng trong những năm tháng kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Bộ Tổng Tham mưu “Cần phải tránh những khuyết điểm như ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt; phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên; phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội; tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội...”[10].
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu đã nhanh chóng xây dựng, trưởng thành, phát triển về mọi mặt; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chiến lược quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, vừa chủ động sáng tạo trong chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, giành thắng lợi trong các chiến dịch, hoạt động tác chiến, tạo bước ngoặt quyết định trên các hướng chiến lược và chiến trường cả nước. Tiêu biểu là Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947); các Chiến dịch Đông Bắc năm 1948, 1949; Chiến dịch Biên Giới (1950); Chiến dịch Hòa Bình (1951); Chiến dịch Tây Bắc (1952); Chiến dịch Thượng Lào (1953) cho đến Chiến dịch Đông - Xuân (1953 - 1954), với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ tháng 3 đến tháng 5/1954) giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ... Đó là nền tảng được Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng nhân dân tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực và biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bất ổn, xung đột, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, dân tộc; các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Bộ Tổng tham mưu tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng; đặc biệt là nắm vững và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động nắm vững tình hình, nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đường lối, chủ trương thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng; điều chỉnh thế bố trí chiến lược, kế hoạch phòng thủ, nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đáp ứng yêu cầu khi chuyển đất nước sang thời chiến; trong đó, kế hoạch xây dựng căn cứ địa cách mạng, phương án di dời cơ quan đầu não chỉ đạo, chỉ huy chiến tranh theo tư tưởng của Bác cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung tham mưu, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh, cơ cấu đồng bộ, hợp lý; mua sắm vũ khí, trang bị, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, lực lượng Dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các quân, binh chủng và lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, làm tròn nhiệm vụ quốc tế, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để tham mưu bổ sung, phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam./.
Trung tướng Phùng Sĩ Tấn
Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

 
[1] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.33.
 
[2]Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.112.
[3]Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.118.
[4]Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.118.
[5]Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.136.
[6] Bộ Tổng Tham mưu, Ban Tổng kết-Biên soạn lịch sử: Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 717.
[7] Tổng cục Chính trị: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.557.
[8]Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.155.
[9] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.192.


 
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8,  tr.27-30.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4277

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập97
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,207
  • Tổng lượt truy cập18,335,549
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây