Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ trong cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thứ năm - 29/09/2022 22:05   Đã xem: 376   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có những đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là phên dậu phía Bắc kinh thành Thăng Long; nơi đây tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ, “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Chính vì vậy, Thái Nguyên nhận được sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ từ rất sớm bởi nơi đây “có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt, là vùng đất hiểm trở, có núi bao bọc thuận lợi cho việc bài binh bố trận”.

Cuối năm 1936, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên ở Thái Nguyên được thành lập tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân Thái Nguyên hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với việc chọn Thái Nguyên làm An toàn khu
Sau một thời gian dài hoạt động ở nhiều nước, cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1940, Người đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) và đến tháng 8 năm ấy, trở lại Quế Lâm cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội trở về Tổ quốc. Tại đây, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(1).
Như vậy, ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ vị trí chiến lược của vùng đất Thái Nguyên: “Thời kì tiền khởi nghĩa khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng...”(2).
Chính từ tầm nhìn chiến lược trên, sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử hai cán bộ (Nông Văn Quang và Trương Văn Thiết) về Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) tìm bắt liên lạc và chuyển thư của Người đến đồng chí Vũ Hưng(3). Nhưng vào lúc này, thực dân Pháp đang ráo riết lùng bắt đồng chí Vũ Hưng, nên việc chắp nối liên lạc không thành.
Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn Đảng, toàn dân: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(4).
Hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Quân giải phóng đã nổi dậy giành chính quyền từ trong tay phát xít Nhật. Khoảng 21 giờ ngày 22/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về đến thị xã Thái Nguyên. Dù rất mệt vì mới trải qua trận ốm nặng, lại vượt một quãng đường dài, nhưng ngay tối hôm đó, Người vẫn gặp gỡ các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh để nắm tình hình địa phương và căn dặn những việc cần làm đối với một chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Bác nói “cách mạng do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Cuối tháng 10/1946, Trưởng Ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.
Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương và kế hoạch tổng di chuyển lên căn cứ trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kĩ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động. Đồng bào Việt Bắc gồm các dân tộc Kinh, Thổ, Nùng, Thái… phong tục tập quán tuy có khác nhau ít nhiều nhưng lòng yêu nước, căm thù thực dân thì muôn người như một.
 Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá). Nơi Bác ở: Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui, tiện đường sang Bộ tổng, thuận lối tới Trung ương, nhà thoáng ráo kín mái, gần dân, không gần đường. Bác cho rằng: sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất (không có gì bảo vệ tốt hơn hàng rào lòng dân).
Bác Hồ với Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến kiến quốc
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và noi gương Người: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã có nhiều sáng kiến trong việc cứu đói. Truyền thống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách” được phát huy trong đồng bào các dân tộc. Hầu hết các gia đình đều có “Hũ gạo tiết kiệm”, dành dụm từng nắm gạo để tương trợ những gia đình đang bị nạn đói đe dọa. Hầu khắp các xã trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban cứu đói, cứu tế, tích cực vận động nhân dân tham gia quyên góp lương thực để chống giặc đói đang hoành hành ở nhiều nơi.
Thực hiện lời kêu gọi của Bác trong lá thư Gửi nông gia Việt Nam (7/12/1945): “Tăng gia sản xuất! … để giữ vững quyền tự do, độc lập” (5), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên tích cực khai hoang, phục hóa theo tinh thần “Không để ruộng đất bị bỏ hoang”, “Tấc đất tấc vàng”. Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trương tịch thu toàn bộ đồn điền của thực dân Pháp giao cho Ban Dân sinh kinh tế tỉnh và thành lập Ban Quản trị đồn điền để trực tiếp quản lí, tổ chức sản xuất. Hằng năm, những đồn điền này cung cấp một khối lượng thóc khá lớn cho quỹ cứu tế ở địa phương.
 

1

Bác Hồ nói chuyện với nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ

Để khắc phục tình trạng trống rỗng về tài chính, dù đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã làm theo lời Bác, tình nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc... ủng hộ Nhà nước. Chỉ trong một tuần lễ (từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945), nhân dân Thái Nguyên đã ủng hộ Nhà nước được 5 kg vàng, hàng vạn đồng tiền mặt cùng các loại vật dụng khác (nồi đồng, chậu đồng...).
Hiểu rõ lời Bác dạy “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (6), Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập trung lãnh đạo phong trào thanh toán nạn mù chữ, phân công những cán bộ có khả năng chỉ đạo cuộc vận động toàn dân tham gia phong trào bình dân học vụ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lớp bình dân học vụ được tổ chức khắp nơi, đến tận từng thôn xóm, thu hút hàng vạn người thuộc các lứa tuổi tham gia. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới nhằm giáo dục đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng được đẩy mạnh. Thông qua đó, các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại, như cờ bạc, nghiện hút, mê tín dị đoan, cũng như tình trạng ma to cưới lớn... giảm dần từng bước.
Cùng với phong trào bình dân học vụ thanh toán nạn mù chữ, thực hiện lời dạy cùa Bác, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tự xây dựng được nhiều trường, lớp. Tháng 9/1945, trong ngày khai giảng năm học đầu tiên, tại tỉnh Thái Nguyên, hàng chục trường, lớp đã mở rộng cửa đón nhận hàng ngàn con em đồng bào các dân tộc.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí, vừa đấu tranh chống âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, vừa tích cực xây dựng lực lượng mọi mặt để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp là các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai đã đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng vạn mét vải, hàng vạn mét khối gỗ, hàng chục vạn cây tre, nứa, lá cọ… để góp phần đào hầm, xây dựng lán trại, kho tàng, công xưởng...
Tại các vùng ATK, đồng bào các dân tộc đã xác định việc phòng gian, bảo mật, bảo vệ các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương là trách nhiệm của mình. Mọi người dân, từ cụ già đến em nhỏ, đều tự giác thực hiện triệt để khẩu hiệu “ba không”. Phong trào “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm”, đồng thời vận động quyên góp “Hũ gạo nuôi quân” được quần chúng nhân dân nhiều nơi ủng hộ, nhất là ruộng đất, trâu, bò, nông cụ... cho các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội tăng gia tự túc.
Hưởng ứng lời kêu gọi và theo gương Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên đã có những hành động thiết thực giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Ở các địa phương trong tỉnh, Hội Mẹ chiến sĩ được thành lập và có nhiều hoạt động thiết thực. Các bà, các mẹ vận động chị em phụ nữ đóng góp kinh phí, bông, vải; may, vá quần áo, chăn màn ủng hộ bộ đội, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ. Bà Bá Huy ở xã Lục Ba (huyện Đại Từ) là một trong những tấm gương tiêu biểu về việc giúp đỡ thương binh. Bà đã ủng hộ Trại an dưỡng số 1 (cơ sở điều trị, nuôi dưỡng thương binh của Bộ Thương binh và xã hội được thành lập tháng 7/1947 tại xã Lục Ba) 10 gian nhà gỗ, lợp lá cọ và dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, chăn, màn... đủ dùng cho 50 thương binh. Ngoài ra, bà còn ủng hộ thương binh 3 tấn thóc, 3 mẫu ruộng, 1 con trâu và một số nông cụ khác để anh em tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Bà tích cực vận động chị em phụ nữ trong xã đến giặt quần áo, nấu cơm, nấu nước giúp đỡ thương binh. Việc làm của bà đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và nêu gương cho mọi người học tập.
Trong cải cách ruộng đất, từ ngày 25/5/1954, bắt đầu thực hiện đợt thứ nhất ở 47 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên) và 6 xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất đợt 1 ở Thái Nguyên đã nhanh chóng vang dội khắp nơi, góp phần cổ vũ các tầng lớp nhân dân lao động cả nước hăng hái sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến và động viên cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở ngoài mặt trận hăng hái tiến lên giết giặc, lập công.
 Tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 1, ngày 12/9/1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ dự hội nghị. Người khẳng định: “Trong công tác giảm tô và cải cách ruộng đất, về việc chấp hành chính sách, có một số cán bộ làm rất tốt; nhưng cũng có một số làm sai. Giảm tô và cải cách ruộng đất phải nắm vững đường lối chính sách, phải nhận rõ lực lượng chính của ta ở đâu, phải biết dựa vào bần, cố nông, đoàn kết trung nông. Cho nên Trung ương và Chính phủ luôn luôn nêu ra: cần phải đoàn kết nông dân lao động. Nếu biết đoàn kết nông dân lao động thì việc gì làm cũng có kết quả tốt; nếu không biết đoàn kết nông dân lao động thì công việc sẽ không chạy, kéo dài thời gian mà kết quả không tốt”. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ ta ngoài mặt trận…
ATK Định Hóa - Thái Nguyên nơi ở của các cơ quan đầu não kháng chiến. Tại đây, đã ra đời nhiều quyết sách quan trọng liên quan tới vận mệnh của nước nhà, Bộ Tổng chỉ huy ngày đêm nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể thích hợp cho từng chiến trường như mở các chiến dịch: Trung Du (1950), Đường số 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông - Xuân 1951 - 1952), Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Thượng Lào (Xuân - Hè 1953). Tại Lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hoá), Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954. Cũng chính tại nơi đây, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bác giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng, không đánh”. Quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến gian nan trường kỳ và vô cùng anh dũng của dân tộc.
Bác Hồ với Thái Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc (xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ) trở về Thủ đô Hà Nội. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên đã để lại nhiều kỷ niệm cho nhân dân các dân tộc nơi đây. Người viết thư gửi đồng bào “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào... người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần anh em”([1]).

2

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu Gang thép Thái Nguyên, ngày 01/01/1964

Từ tháng 12/1954 đến ngày 1/1/1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lên thăm hỏi, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc  tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy điện Cao Ngạn... Trước 45.000 đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh tại sân vận động Thái Nguyên, Người căn dặn: Tỉnh ta sớm có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta.
Thực hiện lời Bác dạy, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, năm 1955, ba hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên trên miền Bắc được thành lập ở xã Hùng Sơn huyện Đại Từ. Năm 1956, thành lập thêm hai hợp tác xã ở xã Trung Hội huyện Đại Từ để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và phát triển hợp tác hóa nông nghiệp rộng lớn trong toàn tỉnh. Đây là một thành tựu lớn lao đầu tiên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặt nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thái Nguyên làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
 Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã xây dựng được 851 hợp tác xã, với 36.122 hộ xã viên, bằng 86,9% tổng số nông hộ trong toàn tỉnh. Hai huyện Phú Bình và Định Hóa đạt hơn 93% số nông hộ vào làm ăn tập thể.
Về công nghiệp, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: Đoàn kết xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép - con chim đầu đàn của ngành Luyện kim Việt Nam, từ năm 1959 đến năm 1963, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp hàng nghìn mét khối gỗ, hàng chục vạn cây tre, nứa, hàng triệu tầu lá cọ cho việc xây dựng nhà ở, lán, trại cho cán bộ, công nhân; cùng lực lượng cán bộ, công nhân san gạt 50 quả đồi, san lấp gần 11.000.000 m3 đất đá, tạo mặt bằng cho các hạng mục công trình. 8 giờ 30 phút ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 đã ra lò. Cùng với Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ sắt Trại Cau được khởi công xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 12/1963, đưa Thái Nguyên trở thành một khu công nghiệp lớn trên miền Bắc.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân tỉnh Thái Nguyên vừa chiến đấu giỏi, vừa ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho tiền tuyến miền Nam. Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), 48.278 người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã gia nhập các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó hàng vạn người đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia; 7.790 người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, 7.800 đồng chí đã để lại một phần xương máu ở các chiến trường. Nhiều người con của Thái Nguyên đã trưởng thành trong chiến đấu và những tấm gương dũng cảm hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc đã gửi một thông điệp cho các bạn trẻ hãy noi gương cha ông, tiếp bước lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thế hệ của chúng tôi và hầu hết các đồng chí đang tham dự hội thảo hôm nay… chỉ biết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược qua sử sách, qua những câu chuyện kể (vì khi ấy còn nhỏ tuổi) nhưng thế hệ của chúng tôi còn vinh dự được trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam và sau đó là chiến tranh phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ giá trị của độc lập tự do được trả bằng xương máu của các thế hệ cha anh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt và luôn quan tâm dìu dắt, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy tinh thần yêu nước, hăng hái tiến lên làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Bác nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng cũng như đoàn kết trong nội bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Người đi thăm nhiều nơi trong tỉnh, tiếp xúc với nhiều đồng bào các dân tộc, thuộc đủ các tầng lớp, các giới, các lứa tuổi... Bác đã viết hàng chục bức thư gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà. Bác căn dặn đảng viên phải luôn xung phong gương mẫu, đồng bào đoàn kết; Bác nhắc nhở tiết kiệm, đặt vấn đề trồng cây, bảo vệ rừng... Bức thư nào của Bác cũng chứa chan tình đời, tình người, ân cần, đằm thắm, thiết tha. Tình cảm đó của Bác đã thấm sâu vào mỗi con tim, khối óc của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Mảnh đất Thái Nguyên lịch sử với nhiều thành phần dân tộc anh em, giàu lòng yêu nước, vị tha, bao dung, nhân ái, đoàn kết đùm bọc; có rừng núi ngút ngàn hùng vĩ, có địa chính trị - quân sự - kinh tế là những ưu điểm nổi trội mà không phải tỉnh miền núi nào cũng có được. Lịch sử đã ghi nhận, chính tại mảnh đất anh hùng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc và lãnh đạo cả dân tộc Việt Nam đánh bại thực dân Pháp xâm lược, mở đầu trang sử oanh liệt nhất, vẻ vang nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

3

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử
mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc 
kháng chiến, kiến quốc”

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về Tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011, của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.

Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc” vào dịp toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); vào thời điểm đất nước đã trải qua hơn 35 năm đổi mới; các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta luôn luôn biết ơn công lao trời biển của Người, quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Đó cũng là thể hiện việc tri ân của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với những tình cảm mà Bác Hồ kính yêu đã dành cho mảnh đất và con người nơi đây./.

TS. Nguyễn Văn Vượng
(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh,
nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)

 
 
(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, H. 1977, tr. 38 - 39.
(2) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hóa trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Xem Kỉ yếu Hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc, tr. 8 - 9.
(3) Đồng chí Vũ Hưng (còn có tên là Vũ Văn Uyển, Đỗ Văn Đoài, Hai Cao), năm 1931-1932 là Ủy viên Ban Tỉnh ủy Hà Nam. Cuối năm 1932 lên hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng ở huyện Định Hóa. Xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, t. 1
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 3, tr. 554.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 115.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 36.
(37) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 220.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4055

Thống kê website

  • Đang truy cập136
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,432
  • Tổng lượt truy cập18,335,774
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây