Những sự kiện quan trọng diễn ra tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên từ chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

Thứ năm - 13/10/2022 22:32   Đã xem: 178   Phản hồi: 0

Là nơi địa thế hiểm trở “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, nên sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dự báo khó tránh khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn một số địa điểm nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương, trong đó, trung tâm là huyện Định Hoá (Thái Nguyên). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

ATK Định Hóa, Thái Nguyên trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đánh dấu sự bùng nổ của cuộc kháng chiến chống Pháp trên cả nước. Đến giữa năm 1947, cuộc kháng chiến đã trải qua 5 tháng, về cơ bản, nhân dân ta đã đạt được các mục tiêu chiến lược do Trung ương Đảng đề ra. Ngược lại, không đạt được âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, thực dân Pháp buộc phải kéo dài và mở rộng chiến tranh. Rơi vào tình thế khó khăn, một mặt quân số trên chiến trường Đông Dương hao hụt, chính quốc Pháp viện trợ nhỏ giọt, mặt khác phải dàn quân ra để giữ các vùng chiếm đóng, thực dân Pháp âm mưu kết hợp chặt chẽ thủ đoạn chính trị với biện pháp quân sự. Về quân sự, vừa bình định miền Nam, thực dân Pháp vừa tập trung lực lượng lớn đánh đòn quyết định ở miền Bắc.
Tháng 6/1947, Hội đồng Phòng thủ Đông Dương thông qua cuộc tiến công mùa Thu năm 1947, với mục đích: “Bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc… loại trừ mọi sự chi viện từ ngoài vào, truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ[1] để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh. Thực hiện mưu đồ này, ngày 7/10/1947, giặc Pháp cho quân nhảy dù đánh chiếm thị xã Bắc Kạn và Chợ Mới, chính thức mở đầu cuộc hành quân Léa, bước I của chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn vào căn cứ địa Việt Bắc. Sau hơn một tháng tấn công, không đạt được mục tiêu, phán đoán bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến chủ yếu đóng ở vùng Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, thực dân Pháp quyết định mở cuộc hành quân Ceinture. Mục đích của cuộc hành quân này là bao vây, càn quét khu tứ giác Thái Nguyên - Tuyên Quang - Việt Trì - Phủ Lạng Thương nhằm tiếp tục lùng bắt cho kì được cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực Việt Minh, phá hoại căn cứ địa. Thái Nguyên là hướng bao vây, càn quét chính.
1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947
Ngày 20/11/1947, thực dân Pháp bắt đầu triển khai cuộc hành quân Ceinture. Một cánh quân rút khỏi thị xã Tuyên Quang theo đường thủy về Bình Ca và theo đường bộ sang Sơn Dương nhằm uy hiếp đường liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, hỗ trợ cho quân từ phía Cao Bằng rút về. Tại Bắc Kạn, quân Pháp tập trung lực lượng về Chợ Mới. Từ đây, đánh nghi binh lên thị xã Bắc Kạn và phao tin sẽ rút quân lên Cao Bằng. Ta đã điều một số đơn vị bội đội chủ lực từ Định Hóa lên Bắc Kạn chặn đánh địch. Đêm 24/11/1947, từ Chợ Mới, quân Pháp bí mật theo Đường số 3 hành quân xuống cây số 31, rẽ vào Chợ Chu chiếm đóng Phố Ngữ, Quán Vuông (thuộc huyện Định Hóa). Ngày 25/11/1947, từ Quán Vuông, địch hành quân, càn quét lên chiếm đóng phố Chợ Chu và làm sân bay dã chiến ở cánh đồng. Tại Định Hóa, quân và dân ta đã bình tĩnh đương đầu với cuộc tấn công của Pháp trên các hướng hành quân, càn quét. Sau gần 10 ngày, không đạt được mục tiêu, lại bị quân ta chặn đánh liên tiếp, nên từ ngày 1 đến ngày 6/12/1947, quân Pháp rút khỏi Định Hóa. Cơ quan đầu não kháng chiến của ta tại ATK Định Hóa được bảo toàn.
 ATK Định Hóa, Thái Nguyên trong Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950
Cuộc tấn công Thu - Đông 1947 lên Việt Bắc bị thất bại, buộc thực dân Pháp chuyển từ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, sang đánh lâu dài. Pháp thay đổi việc bố trí lực lượng, thay đổi cách đóng quân, thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt”, “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Trong vùng chiếm đóng, Pháp ra sức xây dựng chính quyền bù nhìn và thành lập một đội quân người bản xứ để làm công cụ phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược.
2
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950
Là một tỉnh thuộc vùng tự do, nhưng lại tiếp giáp các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên và Phúc Yên là vùng địch tạm chiếm, nên Thái Nguyên vẫn nằm trong tình thế bị địch bao vây, uy hiếp từ nhiều phía. Mặt khác, sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, Thái Nguyên vẫn là tỉnh thuộc trung tâm An toàn khu Trung ương; các cơ quan đầu não kháng chiến tiếp tục ở và làm việc tại đây. Do đó, thực dân Pháp, thông qua việc thực hiện Kế hoạch Revers, do Mĩ giúp sức, Pháp đã xây dựng được tuyến phòng thủ dọc theo Đường số 4 và thiết lập được hành lang Đông - Tây. Căn cứ địa Việt Bắc nằm trong tình trạng bị địch bao vây, phong tỏa. Để giải quyết khó khăn này, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường liên lạc với quốc tế; củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.
Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên Giới mở màn với cuộc tấn công vào Đông Khê, một cụm cứ điểm trên Đường số 4. Sau hai ngày, cụm cứ điểm này bị quân ta tiêu diệt, tuyến phòng thủ của địch trên Đường số 4 bị chia cắt, quân Pháp ở Cao Bằng bị cô lập; Thất Khê bị uy hiếp. Để cứu vãn tình thế, cùng với việc cho binh đoàn từ Thất Khê tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn từ Cao Bằng rút về, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp huy động hầu hết lực lượng dự bị chiến lược ở Bắc Bộ (gồm 6 tiểu đoàn), mở cuộc hành binh Phoque đánh lên Thái Nguyên, hi vọng kéo chủ lực của ta ở Mặt trận Biên Giới về.
Ngày 30/9/1950, quân Pháp đánh vào địa phận huyện Đồng Hỷ và thị xã Thái Nguyên. Do có kế hoạch đề phòng từ trước, nên quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã chủ động chuẩn bị lực lượng để đối phó cuộc tấn công của địch. Trên các hướng hành quân tiến vào thị xã Thái Nguyên, quân địch đều bị bộ đội địa phương và dân quân, du kích của tỉnh cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực chặn đánh rất quyết liệt. Qua hơn 10 ngày trực tiếp chiến đấu, quân và dân Thái Nguyên đã đánh trên 60 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt gần 600 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Chiến công của quân và dân Thái Nguyên không chỉ bảo vệ an toàn cửa ngõ phía Nam ATK Trung ương, mà còn góp phần quan trọng vào chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950.
ATK Định Hóa - Thái Nguyên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Thu - Đông năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào năm thứ tám. Lực lượng vũ trang nhân dân từ chỗ còn non yếu, trải qua tám năm đã lớn mạnh về mọi mặt. Ngược lại, sau 8 năm chiến tranh, kể từ ngày tái xâm lược Việt Nam (23/9/1945), thực dân Pháp bị thiệt hại nặng nề, ngân sách nhà nước hao hụt, nên thực dân Pháp ở chiến trường Đông Dương ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược ngày càng lan rộng trong nhân dân Pháp. Thêm vào đó, nội bộ chính phủ Pháp mâu thuẫn gay gắt. Trước tình hình đó, thực dân Pháp âm mưu tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh cuộc chiến tranh, giành một thắng lợi quyết định về quân sự trên chiến trường, mong tìm ra lối thoát trong danh dự.
3
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Được sự thỏa thuận của Mỹ, ngày 7/5/1953, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Navarre sang làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Navarre đề ra kế hoạch chiến lược với dự định thực hiện trong hai năm 1953 - 1954, mang tên Kế hoạch Navarre. Để thực hiện kế hoạch này, Pháp tăng cường viện trợ cho quân viễn chinh ở Đông Dương, thúc đẩy Mỹ tăng viện trợ quân sự, xây dựng một đội quân chủ lực cơ động chiến lược mạnh, phần lớn số quân ở chiến trường Đông Dương được điều về tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trước âm mưu mới của thực dân Pháp, tháng 9/1953, tại lán Tỉn Keo, xóm Nà Lọn, xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn về  chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954. Có hai phương án được đưa ra:
Phương án thứ nhất: Tập trung toàn bộ bộ đội chủ lực ở đồng bằng lực lượng tương đối phân tán, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận lực lượng của địch, phối hợp đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch đến một mức độ nhất định bảo vệ vùng tự do. Sau khi địch bị tổn thất, vùng tự do được củng cố, ta sẽ tùy theo tình hình mà tiếp tục để bộ đội chủ lực ở đồng bằng hay điều động đi hướng khác.
Phương án thứ hai: Lúc này địch tập trung cao độ quân chủ lực để tác chiến với ta ở đồng bằng; chiến trường đồng bằng có nhiều thuận lợi cho địch, đánh lớn ở đồng bằng chỉ có thể thu được những thắng lợi có hạn, không làm thay đổi được cục diện của chiến tranh mà chủ lực ta có thể bị tiêu hao. Tây Bắc Việt Nam và Lào là nơi địch yếu nhưng chúng không thể bỏ. Đại bộ đội chủ lực lên hướng đó, mặc dù có khó khăn về tiếp tế, nhưng ta buộc địch phải phân tán lực lượng tranh thủ tiêu diêt sinh lực địch, đẩy mạnh hoạt động ở khắp nơi các chiến trường sau lưng địch, tạo điều kiện để tiến tới đồng bằng Bắc Bộ.
Trên cơ sở phân tích tình thế chiến trường, Bộ Chính trị đã chọn phương án 2, đồng thời đề ra chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954 là tập trung lực lượng, mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến dịch mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận lưc lượng của địch giải phóng đất đai; đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta trên các địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt, đánh ăn chắc tiến ăn chắc.
Thực hiện phương châm chiến lược trên, trong Đông - Xuân 1953 - 1954, quân ta chủ động mở một loạt chiến dịch công trên nhiều hướng và chiến thắng giòn giã tiêu diệt một bộ phận rất quan trọng lực lượng của địch giải phóng nhiều vùng chiến lược quan trọng như: Tây Bắc, Thượng Lào, Tây Nguyên. Khối quân cơ động chiến lược của địch không còn tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ như trước mà bị phân tán ra nhiều hướng: một lực lượng lớn quân địch bị giam chân tại Điện Biên Phủ. Kế hoạch Navarre đã bị phá sản một bước nặng nề. Tuy nhiên, lúc này, Navarre vẫn nhìn cục diện chiến trường hết sức chủ quan vì 12.000 quân cơ động chưa sử dụng đến và cho rằng Việt Minh đã cố gắng hết sức. Vì vây, Navarre quyết định tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và chủ lực Việt Minh lên đây để tiêu diệt. Một lần nữa, cũng dưới mái lán vầu, cọ đơn sơ trên đồi Tỉn Keo, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ toạ hội nghị Bộ Chính trị. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm tấn công Điện Biên Phủ, Hồ Chủ tịch cùng Bộ Chính trị phân tích tình hình các mặt. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ và cử Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn với trận đánh vào các cứ điểm thuộc phân khu Bắc. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là thắng lợi đỉnh cao trong Đông Xuân 1953 - 1954, có tác dụng trực tiếp đập tan kế hoạch Navarre và âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mở ra một cục diện chính trị mới, góp phần trực tiếp buộc Pháp phải kí kết Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và ATK Định Hóa nói riêng đã có những đóng góp không nhỏ cho những thắng lợi có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến. Do vậy, An Toàn Khu (ATK) Định Hóa thực sự là một quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam, một Thủ đô kháng chiến với các điểm di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt cần phải được bảo tồn, phát huy trong quá trình xây dựng một Thái Nguyên bền vững, phát triển và hội nhập./.
PGS.TS Hà Thị Thu Thủy
(Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)

 
[1] Xalăng: Một đế quốc cáo chung: Việt Minh-địch thủ của tôi, tập 2, bản dịch, tr. 74.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:958 | lượt tải:199

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:935 | lượt tải:271

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1042 | lượt tải:225

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16898 | lượt tải:4226

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:16969 | lượt tải:4029

Thống kê website

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay372
  • Tháng hiện tại12,511
  • Tổng lượt truy cập17,503,493
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây